TS.Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thừa nhận rằng: Covid-19 là cơ hội giúp chúng ta ngộ ra yêu cầu phát triển bền vững, nhân văn phải song hành với đổi mới về công nghệ trong nền kinh tế.
Nhìn lại Chương trình Khởi nghiệp quốc gia năm 2020 mới thấy rằng: trong bối cảnh của đại dịch Covid-19, phong trào khởi nghiệp vẫn rất sôi nổi khi cả năm chúng ta vẫn có trên 100.000 doanh nghiệp mới được thành lập.
TĂNG 13 BẬC VỀ XẾP HẠNG HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP
"Covid-19 đã có sự an ủi cho nhân loại đó chính là việc ngộ ra về sự mong manh của các đế chế kinh tế thương mại trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Đó là việc ngộ ra yêu cầu phát triển bền vững phải song hành với đổi mới về công nghệ trong nền kinh tế. Đó là ngộ ra chìa khóa cho sự phát triển bền vững là chung tay của tất cả mọi người", ông Lộc phát biểu tại Festival Khởi nghiệp 2021.
Dẫn báo cáo Xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm 2020 của StartupBlink, TS.Vũ Tiến Lộc cho biết, ở khu vực Đông Nam Á, cả Indonesia và Thái Lan giảm lần lượt 13 và 17 hạng xuống vị trí thứ 54 và 50. Trong khi đó, Việt Nam tăng 13 bậc lên vị trí thứ 59, vị trí cao nhất Việt Nam đạt được trong lĩnh vực này. Nếu tính theo từng thành phố, Thủ đô Hà Nội vào top 200 trung tâm khởi nghiệp trên toàn cầu sau khi nhảy 33 bậc lên hạng 196 (tổng 1,261 điểm), Tp.HCM đứng thứ 225 (tổng 0,995 điểm), thành phố này thậm chí chưa có tên trong danh sách năm trước.
Chương trình Khởi nghiệp quốc gia trong 18 năm đã tập hợp được 5.500 các dự án khởi nghiệp từ học sinh sinh viên. Nhiều dự án đã trở thành thực tiễn đóng góp vào sự phát triển kinh tế và của cộng đồng doanh nghiệp. Các chương trình khởi nghiệp của VCCI đã tạo thế liên kết rộng khắp với mạng lưới khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp trên 30 tỉnh thành phố, với 150 trường đại học và cao đẳng tham gia vào mạng lưới kết nối khởi nghiệp của VCCI.
Đánh giá về các dự án khởi nghiệp năm 2020, ông Nguyễn Tiến Trung, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho biết, các dự án mang yếu tố công nghệ không chỉ xây dựng APP mà còn thể hiện sự sáng tạo, chiều sâu khoa học - công nghệ.
Còn theo lãnh đạo VCCI, "nhìn vào kết quả của Cuộc thi Khởi nghiệp 2020, chúng ta cũng vui mừng khi thấy các dự án khởi nghiệp đã hướng vào giải quyết những nỗi đau của xã hội liên quan đến môi trường, bảo vệ sức khỏe, công nghệ chuyển đổi số, công nghệ cao trong nông nghiệp".
Dự án xuất sắc đạt quán quân cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia 2020 của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành là một minh chứng điển hình. Dự án ứng dụng bột tảo Spirulina làm thức ăn cho tôm và cải tạo môi trường được xét duyệt và đề cử tham dự Cup Khởi nghiệp toàn cầu Entrepreneurship World Cup (EWC). Thạc sĩ Huỳnh Văn Hiếu, Giảng viên hướng dẫn của nhóm dự án cho rằng, dự án này ra đời dựa trên mong muốn giúp đỡ những người nông dân nuôi tôm giảm bớt những khó khăn như: hao hụt cao ở giai đoạn thả giống; tốc độ phát triển chậm ở giai đoạn đầu ảnh hưởng đến sự phát triển về sau của tôm nuôi, màu sắc tôm không đạt yêu cầu mong muốn làm cho giá tôm giảm gây ảnh hưởng đến doanh thu mỗi vụ...
Qua khảo sát nhiều hộ nuôi tôm ở xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, nhóm bạn trẻ Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã thực hiện dự án "Ứng dụng bột tảo Spirulina làm thức ăn cho tôm và cải tạo môi trường". Dự án là phương án khả thi với tính ứng dụng thực tế cao, giải quyết được vấn đề khó khăn đặt ra và tạo ra "sản phẩm để giải quyết các nỗi đau của người nuôi tôm".
XÂY DỰNG MẠNG LƯỚI KHỞI NGHIỆP KHU VỰC
Không chỉ thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong nước, ông Đàm Quang Thắng, Cố vấn cao cấp Ban Khởi nghiệp quốc gia cho biết, năm 2020 Việt Nam là chủ nhà của ASEAN, VCCI chủ trì các hoạt động của doanh nghiệp Đông Á và ASEAN. Trong khuôn khổ các hoạt động đỉnh cao của cộng đồng doanh nghiệp, VCCI đã đề xuất và thành công tạo lập Mạng lưới khởi nghiệp ASEAN, tổ chức Diễn đàn khởi nghiệp ASEAN thường niên, tổ chức giải thưởng ghi nhận và tôn vinh các ngôi sao số trong ASEAN... Với những nỗ lực này VCCI đã dẫn dắt trong việc tạo lập nền tảng cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trong chuyển đổi số trong ASEAN.
Hoạt động này cũng đánh dấu sự hợp tác và hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP thông qua sự tài trợ của Quỹ Thịnh vượng Anh để triển khai dự án có tên "Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng cho doanh nghiệp mới tại Việt Nam". Ngoài sự hợp tác với UNDP cũng như việc trở thành thành viên của GEN (Mạng lưới Khởi nghiệp toàn cầu) trước đó, trong năm Chương trình Khởi nghiệp quốc gia mở rộng quan hệ, gắn kết mạng lưới cố vấn trong hệ sinh thái khởi nghiệp của cộng đồng Pháp ngữ, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Năm 2020 cũng đánh dấu sự ra đời của Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, gồm 16 thành viên chính nhằm qui tụ được đội ngũ các chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hàng đầu tại Việt Nam. Hội đồng ra đời góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Chương trình Khởi nghiệp quốc gia cũng như của Chính phủ, để triển khai các hoạt động đào tạo khởi nghiệp ở mức độ đòi hỏi yêu cầu cao như đào tạo cố vấn và giảng viên nguồn khởi nghiệp TOT, đào tạo nhà đầu tư thiên thần; cố vấn xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cho các trường, các địa phương. Hội đồng cũng hướng mục tiêu xây dựng một mạng lưới các cố vấn khởi nghiệp trong khu vực ASEAN.
"VCCI đang cố gắng kết nối mạng lưới cố vấn khởi nghiệp và hệ sinh thái của chúng ta với mạng lưới cố vấn và hệ sinh thái của khu vực ASEAN và toàn cầu để nối vòng tay trong việc thúc đẩy và làm bệ đỡ cho phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam", ông Lộc nói.
Năm 2021, VCCI đã có sáng kiến phối hợp với Chương trình phát triển của Liên hợp quốc xây dựng trung tâm quốc tế về mô hình kinh doanh thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. "Chúng tôi đề nghị xây dựng trung tâm này ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là sáng kiến rất quan trọng của Việt Nam, đóng góp vào lĩnh vực xây dựng mô hình bền vững của thế giới", ông Lộc cho biết thêm.
Bước sang năm 2021, theo ông Thắng, Chương trình Khởi nghiệp quốc gia tiếp tục củng cố và hoàn thiện cho mình hệ sinh thái khởi nghiệp riêng nhằm tạo ra những dự án khởi nghiệp hoạt động hiệu quả hứa hẹn có nhiều sự kiện sôi nổi. Đồng thời, trong năm Ban tổ chức sẽ triển khai nhiều nội dung chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với sự phối kết hợp từ tổ chức quốc tế, các địa phương.
"Tất cả hứa hẹn sẽ tiếp tục là sân chơi bổ ích thu hút sự tham gia của cộng đồng khởi nghiệp gồm thanh niên – sinh viên, mở ra nhiều cơ hội khởi nghiệp cho các bạn trẻ, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân sáng tạo trong tương lai", ông Lộc nhấn mạnh.
Nguồn: VNEconomy