Năm 2019, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức thành công Hội thi “Tuyên truyền, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” giữa các CLB nữ doanh nhân các địa phương trong tỉnh. Hội thi có sự tham gia của 7 CLB nữ doanh nhân bao gồm: Cẩm Phả, Đông Triều, Hạ Long, Móng Cái, Quảng Yên, Uông Bí và Vân Đồn, với 11 ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp.

Trong số các ý tưởng khởi nghiệp có dự án tái chế rác thải nhựa từ dây buộc vật liệu được lấy từ các công trình xây dựng của TP Hạ Long; mặc dù hiệu quả kinh tế chưa cao nhưng lại có ý nghĩa trong công tác bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức của cộng đồng. Hay như dự án dạy kỹ năng sống cho trẻ em theo mô hình trang trại của TP Uông Bí đang được triển khai ở giai đoạn đầu và đã nhận được đánh giá tốt; dự án công ty cung cấp dịch vụ giáo dục kỹ năng sống của TP Móng Cái hiện đang được triển khai ở các địa phương trong tỉnh và mở rộng quy mô ra cả tỉnh ngoài… Đây đều là những mô hình khởi nghiệp nhận được sự đánh giá cao trong Hội thi, tạo được dấu ấn tích cực, góp phần quan trọng vào hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của phụ nữ toàn tỉnh.

Trong giai đoạn 2018-2020, các cấp Hội phụ nữ đã tổ chức 18 cuộc tập huấn, 1 hội thảo kết nối nguồn lực hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, đào tạo kỹ năng quản trị doanh nghiệp cho phụ nữ có nhu cầu khởi sự kinh doanh; hiện thực hóa hỗ trợ 5 ý tưởng và hỗ trợ 10 trường hợp (5 triệu đồng/trường hợp) lập đề án khởi sự kinh doanh; hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn thủ tục, hồ sơ cho 1.216 phụ nữ có nhu cầu khởi sự kinh doanh với tổng số vốn vay là 36,48 tỷ đồng.



Chị Hà Thị Thu Thanh (thứ 3, trái sang), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân nữ Hà Nội tặng sách về kinh nghiệm khởi nghiệp cho cán bộ, hội viên, nữ doanh nhân tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Dung.

Với nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, giai đoạn 2005-2020 các cấp Hội đã giúp trên 8.265 lượt hội viên phụ nữ, trong đó có 7.877 hộ gia đình do phụ nữ làm chủ được công nhận thoát nghèo. Từ năm 2008-2020, xây mới 338 nhà mái ấm tình thương và sửa chữa 95 nhà với tổng trị giá gần 9,3 tỷ đồng, tạo điều kiện hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, có căn nhà kiên cố để họ vươn lên làm chủ kinh tế, góp phần hiệu quả giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.

Cần tháo gỡ nhiều rào cản

Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 17.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nữ chiếm 23%. 100% doanh nghiệp do phụ nữ quản lý đều là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Trên địa bàn tỉnh có 7 HTX do phụ nữ làm trưởng ban quản lý, 47 tổ hợp tác đang duy trì hoạt động và có sự tham gia của phụ nữ.

Theo kết quả khảo sát nhu cầu khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của các hội viên phụ nữ đã có việc làm, chưa có việc làm, đang kinh doanh, quản lý doanh nghiệp tại các địa phương là Móng Cái, Hạ Long, Vân Đồn, Đông Triều thì 41,38% có nhu cầu khởi nghiệp, 31,03% có nhu cầu khởi sự.

Nhóm phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nằm trong độ tuổi 25-40 nhưng đều là kinh doanh nhỏ, tập trung vào các lĩnh vực: Dịch vụ nhà hàng, thời trang quần áo... Nhưng một thực tế đặt ra đó là, nhiều chị em chưa có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, lại thiếu nền tảng kiến thức, nên việc khởi nghiệp còn gặp khá nhiều rào cản, vướng mắc.

Để tạo cơ hội cho chị em được giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong phát triển kinh doanh, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động như: Ngày hội phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp; tổ chức các lớp tập huấn khởi sự kinh doanh; hội nghị truyền thông kết nối sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn… Đồng thời, Hội cũng tổ chức khảo sát thu thập thông tin, đánh giá nhu cầu khởi nghiệp và khởi sự doanh nghiệp của phụ nữ; hỗ trợ lập kế hoạch, đề án, dự án khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; kết nối, tìm kiếm nguồn lực để hỗ trợ từng bước hiện thực hoá ý tưởng...

Cùng với đó, Hội ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2017-2021 với Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội, tập trung vào các hoạt động thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nữ Quảng Ninh; tổ chức các hội thảo về “Nâng cao năng lực lãnh đạo cho nữ doanh nhân tỉnh Quảng Ninh”, “Hỗ trợ phụ nữ Quảng Ninh khởi nghiệp”.

Đặc biệt Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” do Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định đã góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật, hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thực hiện bình đẳng giới trên nhiều lĩnh vực…



Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình đào tạo hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, khởi sự và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2015-2019.

Mặc dù nhiều rào cản đã dần được tháo gỡ, song nhiều chị em vẫn chưa mặn mà với các hoạt động khởi sự kinh doanh. Lý giải về vấn đề này, bà Trần Thanh Thủy, Trưởng ban KT-XH (Hội LHPN tỉnh) cho biết: Nhiều chị em phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp song quyết tâm chưa cao, đặc biệt nhiều chị em đã lớn tuổi, trình độ tiếp nhận khoa học công nghệ hạn chế, phương thức kinh doanh lại chỉ dựa những kinh nghiệm có từ trước nên dẫn đến tình trạng ngại thay đổi. Khi triển khai thực hiện Đề án 939, một số địa phương thuộc khu vực miền núi, dân tộc, nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao nên việc triển khai các hoạt động của đề án còn gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, việc tổ chức được các hoạt động trong khuôn khổ đề án chủ yếu là lồng ghép, phối hợp nên kết quả chưa rõ nét.

Nguồn:từ trang web:vista.gov.vn.của cục thông tin KH&CN quốc gia