Nhật Bản là quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới. Theo chu kỳ tính cứ sau mỗi 25 năm, tuổi thọ của người Nhật tăng ít nhất 4 tuổi với tỷ lệ bệnh tật rất thấp. Trong thống kê năm 2020, tuổi thọ trung bình của người dân Nhật Bản đã tăng lên mức kỷ lục ở cả 2 giới (87,74 tuổi với nữ giới và 81,64 tuổi với nam giới).

Bí mật tuổi thọ của người Nhật có liên quan trực tiếp đến chế độ ăn hàng ngày. Họ đặc biệt ưa thích loại rau là lá hẹ và coi chúng là “món ăn trường sinh”.

Ở Việt Nam, cây hẹ được trồng khá phổ biến, là loại rau gia vị thường sử dụng trong chế biến một số món ăn, chúng có tên gọi khác là cửu thái, khởi dương thảo. Cây rau hẹ có chiều cao khoảng 20 - 40cm, có mùi thơm rất đặc trưng, cây phát triển tốt quanh năm, rất dễ trồng và ít phải chăm sóc. Bạn chỉ cần gieo hoặc trồng bằng cây con một lần, là đã có thể thu hoạch nhiều lứa, nhiều năm. Là một loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, lá hẹ chứa ít calo nhưng lại có nhiều chất dinh dưỡng có lợi như là vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Lá hẹ có chứa các chất dinh dưỡng quan trọng, tốt cho giấc ngủ và sức khỏe của xương. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các chất hóa học trong hẹ có tác dụng chống ung thư.

Theo y học cổ truyền, cây lá hẹ tính nhiệt, khi nấu chín thì ôn, vị cay, đi vào các kinh Can, Vị và Thận. Lá hẹ có tác dụng ôn trung, hành khí, tán ứ và giải độc. Thường được sử dụng trong điều trị các chứng bệnh đau tức ngực, nấc, ngã chấn thương… Phần gốc rễ cây hẹ có tính ấm, vị cay, có tác dụng ôn trung, hành khí, tán ứ, thường được dùng để chữa ngực bụng đau tức do thực tích, đới hạ, các chứng ngứa... Hạt của cây hẹ có tính ấm, vị cay ngọt, đi vào các kinh Can và Thận, nó có tác dụng bổ Can, Thận, tráng dương và cố tinh. Thường được dùng làm thuốc chữa chứng tiểu tiện nhiều lần, mộng tinh, di tinh, lưng gối yếu mềm.

Nghiên cứu y học hiện đại, cây lá hẹ có chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe như:

- Nghiên cứu đã liên kết chế độ ăn nhiều lá hẹ với việc giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư. Một số nghiên cứu đã đặc biệt gợi ý rằng các loại rau thuộc họ allium, bao gồm cả hẹ, có thể có tác dụng chống ung thư.

- Lá hẹ có chứa một lượng nhỏ choline, đây là một chất quan trọng giúp duy trì cấu trúc của màng tế bào. Ngoài ra, choline cũng giúp cải thiện trí nhớ, tâm trạng, kiểm soát cơ bắp và các chức năng khác của não và hệ thần kinh.

- Lá hẹ có chứa vitamin K, rất quan trọng đối với sức khỏe của xương và quá trình đông máu. Các nguồn cung cấp vitamin K khác gồm có rau lá xanh, dầu thực vật và trái cây bao gồm quả việt quất và quả sung.

- Cây lá hẹ cũng chứa folate, chất dinh dưỡng cần thiết để phòng ngừa chứng sa sút trí tuệ, bao gồm cả bệnh Alzheimer.

- Thành phần của hẹ chứa các hoạt chất kháng sinh mạnh như allcin, odorin, sulfit. Nhờ vậy chúng có tác dụng chữa được ngứa ghẻ, chín mé, nhiễm trùng da bằng cách đắp lá giã nhỏ lên vết thương; tiện lợi trong việc trị giun kim cho trẻ mà không sợ tác dụng phụ của thuốc tân dược.

- Trường hợp viêm lợi đau nhức cũng có thể dùng hẹ để kháng viêm, diệt khuẩn bằng cách giã nát và ngậm trong miệng. Trẻ em bị viêm tai có thể lấy nước lá hẹ nhỏ vào để diệt vi khuẩn.

- Trong hẹ chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, người bệnh tiểu đường lâu ngày có dấu hiệu suy nhược cơ thể thì ăn hẹ rất tốt, giúp bồi bổ cơ thể lại ổn định lượng đường trong máu vô cùng hiệu quả. Hàng ngày sử dụng từ 100-200g rau hẹ, nấu cháo, nấu canh hoặc xào ăn. Không dùng muối hoặc chỉ dùng một chút muối khi chế biến món ăn. 10 ngày một liệu trình. Hoặc cũng có thể dùng củ rễ hẹ 150g, thịt sò 100g, nấu canh ăn thường xuyên.

Mặc dù có nhiều giá trị dinh dưỡng song bạn không nên sử dụng lá hẹ quá nhiều một lúc bởi có thể ảnh hường đến đường tiêu hoá. Tốt nhất là nên ăn kiểm soát ở mức 100-200g/bữa. Ngoài ra, bạn nên tránh ăn nó cùng với một số loại thực phẩm như thịt trâu, thịt bò hay mật ong để hạn chế tác động không tốt đến sức khỏe. Đồng thời, để tránh bị ngộ độc, khi đã chế biến thức ăn từ lá hẹ thì nên dùng hết trong ngày, đừng ăn nếu đã để qua đêm.

Nguồn :Từ trang web: vista .gov,vn của cục thông tin KH&CN quốc gia