Các nhà khoa học đã không ngừng khám phá ra mức độ thực sự của vấn đề ô nhiễm nhựa của chúng ta và họ ngày càng chú ý đến những tác động tiềm tàng của nó đối với cơ thể con người. Nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực này của các nhà khoa học Hà Lan, đã sử dụng các công cụ phân tích mới để có thể đưa ra bằng chứng đầu tiên về việc các hạt vi nhựa bị hấp thụ vào máu.

 

Khi các chất thải nhựa như túi nilon và chai nhựa đi vào môi trường, các lực tự nhiên như dòng hải lưu, gió và tia UV khiến chúng bị phân hủy thành các mảnh nhỏ gọi là vi nhựa. Điều này trở nên vô cùng phức tạp bởi nó khiến cho các nhà khoa học khó mà theo dõi được đường đi của nó trong môi trường và vì vi nhựa rất có thể bị các sinh vật sống ăn hoặc nuốt phải.

Chúng ta đã nhận ra được những tác động bất lợi của vi nhựa đối với các sinh vật biển. Nó là nguyên nhân gây ra chứng phình động mạch ở cá và suy giảm nhận thức ở cua ẩn cư. Giờ đây, trong nghiên cứu về mô và phân người để tìm ra các hạt nhựa trong mỗi mẫu tham gia nghiên cứu, chúng ta biết thêm rằng vi nhựa đã xâm nhập vào cơ thể người.

Nhóm nghiên cứu đã điều tra sự hiện diện tiềm ẩn của nhựa trong máu người bằng cách áp dụng một phương pháp mới liên quan đến sử dụng công nghệ khối phổ kiểm tra máu người nhằm tìm kiếm các hạt nhựa nhỏ có trong máu.

Các nhà khoa học đã áp dụng kỹ thuật này để kiểm tra các mẫu máu của 22 người tham gia nghiên cứu khỏe mạnh và nhắm đến 5 loại nhựa phổ biến nhất. Họ phát hiện thấy ¾ số mẫu máu có chứa các vi nhựa. Đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy các hạt vật chất này ở trong máu người. Nồng độ trung bình là 1,6 microgam/1 mililit, khoảng một thìa cà phê nhựa cho mỗi 1.000 lít nước.

Heather Leslie, Trường Đại học Vrije Universiteit Amsterdam, cho biết: “Giờ đây, chúng tôi đã chứng minh được rằng dòng máu của chúng ta, dòng sông sự sống của chúng ta, có nhựa trong đó”.

Nhựa polyetylen terephthalate (PET), polyetylen và polyme styren là những dạng nhựa phổ biến nhất xuất hiện đa số trong số mẫu nghiên cứu. Trong bài báo nghiên cứu của họ, các nhà nghiên cứu cho rằng đường đi của nhựa đến máu "có thể là qua tiếp xúc niêm mạc (nuốt hoặc hít phải)” và họ lưu ý rằng các hạt trong không khí có kích cỡ từ 1 nanomet đến 20 micromet là có thể hít vào trong cơ thể.

Điều này ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe con người? Các nghiên cứu đã chứng minh các hạt nhựa có thể có những tác dụng độc hại đối với tế bào và có thể làm thay đổi hình dạng của tế bào. Các nghiên cứu trên chuột cũng cho thấy chúng có thể xâm nhập vào hàng rào máu não và góp phần gây ra bệnh tim mạch và cholesterol cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều cần phải tìm hiểu về sự nguy hiểm của việc hấp thụ các hạt nhựa. Trong bước tiếp theo, các tác giả của nghiên cứu mới này đang tìm cách điều tra cách các hạt này có thể di chuyển từ máu vào các mô và cơ quan trong cơ thể.

Tác giả nghiên cứu Marja Lamoree cho biết: “Kết quả nghiên cứu cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về mức độ ô nhiễm nhựa đã lan rộng trong cơ thể con người và mức độ nguy hại của nó ra sao. Với cái nhìn sâu sắc này, chúng ta có thể xác định xem liệu việc tiếp xúc với các hạt nhựa có gây ra mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng hay không ”.