Sáng ngày 01/7/2024, Lãnh đạo Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia đã có cuộc làm việc với đại diện nhà xuất bản Elsevier gồm ông Omar Malik, Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương; ông Hock Yew Tan, Giám đốc phụ trách bộ phận Tài khoản truy cập.

Lãnh đạo Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia và các chuyên gia Nhà xuất bản Elsevier.

Nội dung cuộc họp tập trung vào xây dựng đề xuất chiến lược cho hoạt động trong giai đoạn 2024-2026 của Liên hợp các thư viện dùng chung CSDL Science Direct của Nhà xuất bản Elsevier (sub-consortium Science Direct).

Tại cuộc họp, đại diện nhà xuất bản Elsevier đã báo cáo về tình hình sử dụng CSDL Science Direct giai đoạn 2018-2024 của Nhóm 07+1 thành viên trong liên hợp, qua đó đánh giá các chỉ số thống kê quan trọng cho giai đoạn này bao gồm tỷ lệ các bài báo xuất bản quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam, lượt tải và lượt sử dụng các bài báo, chỉ số trích dẫn của các bài báo quốc tế của Việt Nam, v.v.

Kết quả thống kê tình hình sử dụng CSDL Science Direct cho thấy số lượng các bài báo xuất bản của Việt Nam giai đoạn 2018-2024 đứng thứ 5 trong khu vực nhưng chỉ số trích dẫn lại đứng thứ 2 sau Singapore với chỉ số trích dẫn giao động quanh 1. Trong số các tạp chí được xuất bản, số lượng các công bố quốc tế trong danh mục Q1 thì Việt Nam đang dẫn đầu chiếm tới 45%. Chỉ số trích dẫn theo lĩnh vực của các bài viết (FWCI) hiện tại của Việt Nam cao hơn tiêu chuẩn toàn cầu 1.0 kể từ năm 2014, điều này cho thấy rằng Việt Nam có thể tiếp tục xuất bản các nghiên cứu chất lượng cao một cách bền vững. Hầu hết các ấn phẩm thuộc danh mục Q1 và Q2, chiếm khoảng 81% trên tổng số các xuất bản.

Bằng cách liên kết mức độ sử dụng và kết quả nghiên cứu của các đơn vị trong liên hợp với nhau, Elsevier cho rằng cả hai số liệu thống kê có mối tương quan chặt chẽ và điều này cho thấy các nội dung trong ScienceDirect có thể thúc đẩy và hỗ trợ kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại các đơn vị thành viên liên hợp. Chất lượng nghiên cứu được đo bằng FWCI cũng cho thấy nghiên cứu của Việt Nam cao hơn mức trung bình toàn cầu từ 2%-10% và cần được duy trì trong tương lai thông qua việc cung cấp nguồn tin học thuật chất lượng cao.

Chiến lược trọng tâm mà Elsevier mong muốn đồng hành cùng với các đơn vị nghiên cứu, các nhà nghiên cứu của Việt Nam tập trung vào 02 vấn đề chính đó là (1) Cung cấp nguồn thông tin học thuật chất lượng cao cho cộng đồng nghiên cứu; (2) Cung cấp các chương trình nâng cao năng lực cho các nhà nghiên cứu ở các giai đoạn nghiên cứu.

Tại cuộc họp, TS. Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia đã ghi nhận sự đóng góp tích cực của Elsevier đối với sự phát triển của hoạt động nghiên cứu tại Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ nghiên cứu quốc tế. Cục Thông tin cũng đề nghị Elsevier sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu của Việt Nam bằng việc ưu tiên cung cấp các nguồn tin học thuật chất lượng cao và sớm thúc đẩy các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nhà nghiên cứu tại Việt Nam một cách hệ thống.

Thực hiện Quyết định số 1285/QĐ-TTg ngày 01/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án Phát triển nguồn tin KH&CN phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đến năm 2025, tầm nhìn 2030”, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã bổ sung tập trung CSDL ScienceDirect cho Cục Thông tin KH&CN quốc gia và 7 Đại học lớn là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Cần Thơ và Đại học Thái Nguyên. Nguồn cơ sở dữ liệu học thuật này đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và công bố khoa học của các đơn vị thụ hưởng.

Nguồn:từ trang web:vista.gov.vn.của cục thông tin KH&CN quốc phòng