Sáng 24-11, Lễ trao Giải thưởng KOVA lần thứ 16 đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan – Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng KOVA và lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành cùng 200 cá nhân, tập thể được nhận giải và học bổng.
Điểm khác biệt của Giải thưởng KOVA so với những giải thưởng khoa học khác ở chỗ là đề cao giá trị nhân văn và ý nghĩa thiết thực mà các công trình này mang lại cho xã hội.
Năm nay, Giải thưởng KOVA trao cho 3 công trình khoa học ứng dụng (hạng mục Kiến tạo); 9 việc làm tử tế (hạng mục Sống đẹp) cùng 12 sinh viên xuất sắc có thành tích nghiên cứu khoa học (hạng mục Triển vọng), với giá trị từ 10 đến 50 triệu đồng/giải.
Ngoài ra, Ủy ban Giải thưởng KOVA còn trao 151 suất học bổng (mỗi suất trị giá 8 triệu) cho các em sinh viên giàu nghị lực của 60 trường đại học trên cả nước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi Lễ
Phát biểu tại Lễ trao giải, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao thành công của Giải thưởng KOVA lần thứ 16 cùng những cá nhân, tập thể được nhận Giải thưởng và học bổng đã nỗ lực vượt lên chính mình, vượt qua khó khăn để cuộc sống ý nghĩa hơn.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Giải thưởng này khơi dậy những điều tốt đẹp, nên cần tiếp tục mở rộng cả về quy mô cũng như lĩnh vực, nhân lên hơn nữa những tấm gương sáng, nhiều hơn nữa những người được tôn vinh…Cần làm sao để thay đổi công tác phát triển nguồn nhân lực, đào tạo được lớp người Việt Nam nhân ái, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có lòng yêu nước và ý thức công dân toàn cầu.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng KOVA Nguyễn Thị Doan trao giải cho hạng mục Kiến tạo
Tại buổi lễ, BTC đã trao Giải thưởng KOVA hạng mục Kiến tạo cho 3 nghiên cứu, sáng kiến khoa học đã được ứng dụng. Đó là nghiên cứu “Chẩn đoán nguyên nhân và điều trị hồi phục chức năng thận ở bệnh nhân suy thận tiến triển nhanh” của Khoa Thận-Bệnh viện Chợ Rẫy, do PGS.TS. Trần Thị Bích Hương chủ nhiệm. Công trình này có những phát hiện quan trọng về suy thận tiến triển nhanh, đồng thời lần đầu tiên chẩn đoán được bệnh vi mạch huyết khối là nguyên nhân chủ yếu, làm thay đổi hoàn toàn hướng điều trị. Công trình mang lại hiệu quả đột phá, giúp 60% bệnh nhân không phải chạy thận nhân tạo và hồi phục chức năng thận, tiết kiệm được hàng chục triệu đồng chạy thận mỗi tháng, giảm bớt gánh nặng cho xã hội. Đặc biệt ý nghĩa khi những người được cứu còn rất trẻ, có thể làm lại cuộc đời.
Bà Nguyễn Thị Hòe và Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng trao giải Kova cho kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh
PGS.TS. Lê Chí Dũng, nguyên Trưởng khoa Cơ – Xương – Khớp (Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM) cũng được nhận Giải Kova với nghiên cứu “Phẫu thuật bảo tồn chi trong điều trị ung thư xương”. Nhóm tác giả là những người đầu tiên ở Việt Nam xác định thành công phương pháp điều trị giữ toàn vẹn tay chân bị ung thư xương của bệnh nhân và đã cứu hàng nghìn bệnh nhân trong hơn 20 năm qua.
Phương pháp này mở ra kỷ nguyên và triết lý điều trị mới cho bệnh nhân ung thư xương, giúp cải thiện chất lượng sống và có giá trị nhân văn lớn. Đặc biệt, phát triển kỹ thuật mổ phù hợp với người Việt, làm cho giá thành giảm xuống ít nhất 10 lần so với các nước trong khu vực.
Công trình thứ 3 được trao Giải Kova là kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và sản xuất Dược liệu miền Trung. Kỹ sư Tuyết Anh đã triển khai nghiên cứu, trồng và phát triển cây dược liệu an toàn tại vùng đất Phú Yên, nhằm chủ động nguồn dược liệu trong nước chủ yếu phải nhập khẩu và là nơi đầu tiên của Việt Nam trồng dược liệu Diệp Hạ Châu theo chuẩn sạch của Tổ chức y tế thế giới. Nghiên cứu đã mang lại lợi ích, thu hút các hộ nông dân ở Phú Yên tham gia với tổng diện tích hàng chục ha, thu nhập tăng khoảng 5 lần so với trồng lúa, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường.
Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ – TBXH và bà Nguyễn Thị Nghĩa trao giải thưởng hạng mục Triển vọng và Sống đẹp
Giải thưởng Kova hạng mục Sống đẹp được trao cho 6 cá nhân, tập thể tiêu biểu: Tập thể Cán bộ chiến sĩ Vùng 2, Quân chủng Hải Quân; Thiếu tá Trần Tuấn Anh, Thuyền trưởng Tàu 952, Lữ đoàn 161, Vùng 3 Hải quân, là những người tiêu biểu thực hiện các nhiệm vụ thiêng liêng, góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bà Nguyễn Thị Huỳnh Nga (Vĩnh Long) gần 20 năm qua đã dạy học miễn phí, mang tình yêu thương đến các em bị thiểu năng trí tuệ; ông Trần Văn Tín (TP.HCM) truyền dạy nghề điện - điện tử cho các em thanh niên khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn; tập thể các thầy cô trường Phổ thông Dân tộc bán trú, Tiểu học và THCS Tân Dân (Hòa Bình) đã vượt qua khó khăn để dạy học và chăm lo cho trẻ vùng cao; bà Trần Thị Kim Thia (Đồng Tháp) đã 16 năm dạy bơi miễn phí cho các em nhỏ, giúp các em có thêm kỹ năng sống bảo vệ chính mình.
Ngoài ra, Giải thưởng KOVA còn trao cho các hành động đẹp: Bà Lò Thị Lên (Sơn La) nhận nuôi, cưu mang các em nhỏ mồ côi và các em người dân tộc có hoàn cảnh đặc biệt; ông Nguyễn Hồng Dân (Cần Thơ) bị khuyết tật và hoàn cảnh khó khăn, nhưng vẫn tự nguyện sửa chữa những đoạn đường hỏng, để an toàn cho người đi đường; ông James Joseph Kendall (Hà Nội) đã có hành động ý nghĩa góp phần bảo vệ môi trường, lan tỏa, nâng cao ý thức của cộng đồng về vấn đề này.
Ngoài ra, 151 sinh viên giàu nghị lực, vượt khó để luôn đạt học sinh giỏi của 60 trường đại học trên cả nước đã được nhận học bổng KOVA.
Bà Nguyễn Thị Hồi, PCT Hội Nữ trí thức Việt Nam trao giải Hạng mục nghị lực cho sinh viên
Bà Lê Thị Khánh Vân, PCT Hội Nữ trí thức Việt Nam trao giải Hạng mục nghị lực cho sinh viên