Một đợt điều trị miễn dịch ngắn hạn cho thấy có hiệu quả cao ở một nhóm nhỏ các bệnh nhân ung thư ruột kết. Phương pháp điều trị này bao gồm hai chu kỳ trị liệu miễn dịch trước khi phẫu thuật, có hiệu quả ở hầu hết các bệnh nhân. 2/3 số bệnh nhân không còn tế bào khối u còn sống tại thời điểm phẫu thuật. Hệ thống miễn dịch của bệnh nhân đã “tiêu diệt sạch” các tế bào ung thư. Những phát hiện này đã được các nhà nghiên cứu khám phá trong quá trình thử nghiệm NICHE-2 tại Viện Ung thư Hà Lan. Các kết quả đã được công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine.
Những bệnh nhân bị ung thư ruột kết có cấu trúc di truyền riêng biệt, là hậu quả của thiếu hụt hệ thống sửa chữa ghép cặp sai DNA (dMMR) hoặc mất ổn định vi vệ tinh (MSI), được điều trị một chu ipilimumab và hai chu kỳ nivolumab. Kết quả cho thấy, ở 95% bệnh nhân, khối u đã hoàn toàn hoặc gần như biến mất hoàn toàn, chỉ còn lại 10% tế bào ung thư hoặc ít hơn tại thời điểm phẫu thuật. 68% bệnh nhân hoàn toàn không có tế bào ung thư còn sống.
"Căn bệnh ung thư đại trực tràng này chứa số lượng lớn các sai sót DNA. Điều này có nghĩa là các tế bào khối u dễ dàng bị hệ thống miễn dịch phát hiện ra hơn. Hệ thống miễn dịch chỉ cần một động lực nhỏ là có thể nhắm mục tiêu thành công vào các tế bào khối u. Điều quan trọng nữa là không có bệnh nhân nào được theo dõi cho đến nay phát triển di căn trong thời gian khoảng trung bình là hai năm”, Bác sĩ ung thư Myriam Chalabi cho biết.
Những dấu hiệu thành công đầu tiên trong thử nghiệm điều trị được phát hiện thấy khá sớm sau khi Chalabi bắt đầu thử nghiệm NICHE.
Bốn năm trước, Chalabi và các đồng nghiệp của cô đã công bố kết quả thử nghiệm trên 20 bệnh nhân đầu tiên mắc căn bệnh ung thư đại trực tràng này.
Cô nói: “Hồi đó chúng tôi đã điều trị cho 20 bệnh nhân có khối u thiếu hụt hệ thống sửa chữa ghép cặp sai và tất cả các bệnh nhân đều hưởng lợi từ việc điều trị này. Chúng tôi chưa bao giờ quan sát thấy điều gì giống như vậy và nhận ra rằng nếu chúng tôi có thể chứng minh hiệu quả của nó ở một nhóm bệnh nhân lớn hơn, thì phương pháp điều trị này có thể là một bước tiến lớn. Chính điều đó đã dẫn đến sự phát triển của NICHE-2, nghiên cứu hiện tại đã được công bố gần đây”.
Liệu pháp miễn dịch được đưa ra trước khi phẫu thuật được gọi là liệu pháp miễn dịch tân bổ trợ. Nó nhằm mục đích ngăn ngừa ung thư lây lan hoặc quay trở lại. Đối với trường hợp khối u lớn hơn, sẽ giúp phẫu thuật dễ dàng hơn. Ý tưởng chính đằng sau việc điều trị trước phẫu thuật là để hệ thống miễn dịch có thể tương tác với nhiều tế bào khối u hơn và tạo ra nhiều lỗi DNA hơn cũng như nhiều tế bào miễn dịch hơn, giúp hệ thống tấn công các tế bào ung thư hiệu quả hơn.
Chalabi nhận xét: "Hiện tại, hơn hai năm sau khi điều trị, không có bệnh nhân nào bị tái phát mặc dù nhiều người có khối u nguy cơ cao. Kết quả là chưa từng có. Hiệu quả cũng như tác dụng phụ là tốt hơn nhiều so với phương pháp hóa trị trước phẫu thuật - phương pháp điều trị chỉ có hiệu quả ở 1 trên 20 bệnh nhân".
Ở Hà Lan, phương pháp điều trị được nghiên cứu vẫn chưa sẵn sàng cho các bệnh nhân.
Chalabi nói: "Thử nghiệm này nhằm mục đích cung cấp phương pháp điều trị này cho những bệnh nhân mắc dạng ung thư đại trực tràng này. Đến cuối năm nay, chúng tôi theo dõi những bệnh nhân này được ba năm. Nếu phần lớn những bệnh nhân này vẫn không bị tái ung thư, chúng tôi sẽ hướng tới việc biến liệu pháp này thành một lựa chọn điều trị tiêu chuẩn".
"Chúng tôi đã đạt đến giai đoạn mà chúng tôi có thể loại bỏ hóa trị liệu trước khi phẫu thuật trong nghiên cứu này và các nghiên cứu tương tự ở những bệnh nhân ung thư đại trực tràng đáp ứng tốt với liệu pháp miễn dịch tân hỗ trợ. Bước tiếp theo và quan trọng là làm cho phương pháp điều trị này trở thành phương pháp điều trị tiêu chuẩn. Đó là những gì chúng tôi đang thực hiện và nỗ lực hướng tới và cuối cùng chúng tôi hy vọng hay thậm chí có thể cung cấp được lựa chọn tránh phẫu thuật cho những bệnh nhân có đáp ứng tốt", Chalabi nói thêm.
Nguồn:từ trang web:vista.gov.vn .của cục khoa học HK&CN quốc gia