Bằng công nghệ nano, các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã hoàn thiện quy trình xử lý nước nhiễm asen với vật liệt hấp phụ hiệu năng cao.

Không sử dụng bất cứ hoá chất nào, điều khiển hoàn toàn tự động hoặc bán tự động, có thể áp dụng với mọi vùng nước nhiễm asen.

TS Phạm Văn Lâm, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, vật liệu hấp phụ asen là vật liệu Nanocomposite – Magnetite. Đây là loại vật liệu lai tổ hợp giữa oxit sắt từ kích thước nano với carbon hoạt tính trên nền montmorillonite. Vật liệu có màu nâu đen đến nâu đỏ; có khả năng hấp phụ cả hai dạng asen 3 và asen 5. Ngoài ra, vật liệu còn có khả năng hấp phụ hàng loạt các ion khác như đồng, thuỷ ngân, crom, chì… Vật liệu xúc tác oxy hóa hấp phụ nanocomposite oxit phức hợp mangan sắt là vật liệu lai tổ hợp giữa oxit phức hợp mangan sắt dạng vô định hình với carbon hoạt tính. Vật liệu thể hiện tính năng xúc tác oxy hóa và hấp phụ đồng thời. Vật liệu có khả năng hấp phụ các ion kim loại khác như sắt, đồng, chì, crom...

Cả hai vật liệu đều có thời gian sống cao khi làm việc liên tục, dễ sử dụng, dễ loại bỏ khi vật liệu hết tác dụng, rất thích hợp với các hệ thống nhỏ nhất là quy mô hộ gia đình, cơ quan xí nghiệp, chi phí hoạt động thấp và thân thiện với môi trường. Hiện nay, dạng asen phổ biến trong nước ngầm là asen 3, chúng có độc tính cao và rất khó loại bỏ. Thông thường cần phải oxy hóa asen 3 thành asen 5 bằng các tác nhân hóa học như O2, ozone, H2O2, KMnO4, Cl2… Điều đó dẫn đến phức tạp hóa và chi phí cao cho hệ thống tiền oxy hóa.

Nhiệm vụ của hệ thống này là bão hòa oxy không khí nhằm tách loại triệt để sắt, mangan… và qua đó giảm tối đa nồng độ asen và các chất rắn lơ lửng. Hiệu quả làm việc của hệ thống này là rất quan trọng nhằm giảm tải và chống làm bẩn các chất hấp phụ. Tùy theo từng nguồn nước hệ thống này có thể được thiết kế khác nhau. Ưu điểm của hệ thống hấp phụ với tốc độ nhanh với dung lượng rất cao, khi cân bằng nồng độ asen trong nước nhỏ hơn tiêu chuẩn cho phép.

Nguồn: Báo Khoa học và Đời sống 3/7/2020.