Các nhà nghiên cứu đã tái tạo thành công mô chức năng của bàng quang ở khỉ đầu chó bằng cách sử dụng tế bào tủy xương của chính con vật đó. Cơ quan này hoạt động được trong vòng vài tháng và luôn khỏe mạnh trong suốt quá trình nghiên cứu kéo dài hai năm. Những phát hiện này mở ra cơ hội tạo ra các phương pháp điều trị mới cho chứng rối loạn chức năng bàng quang nghiêm trọng mà việc điều trị hiện này vẫn còn nhiều hạn chế. Công trình nghiên cứu được công bố trên PNAS Nexus.

Một số tình trạng nhất định có thể ảnh hưởng đến bàng quang, bao gồm tật nứt đốt sống, chấn thương tủy sống và bệnh ác tính, dẫn đến rò rỉ nước tiểu, cứng bàng quang và mất khả năng bàng quang. Phương pháp điều trị hiện nay đối với rối loạn chức năng bàng quang nghiêm trọng và ở giai đoạn cuối chỉ có phẫu thuật bao gồm phẫu thuật nâng bàng quang, làm cho bàng quang lớn hơn bằng cách sử dụng một phần ruột non hoặc ruột già. Tuy nhiên, có nhiều biến chứng phát sinh do sự không tương thích giữa bàng quang và ruột do đó cần tìm kiếm các phương pháp thay thế để điều trị rối loạn chức năng bàng quang.

Giờ đây, các nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu trẻ em Stanley Manne thuộc Bệnh viện trẻ em Ann & Robert H. Lurie ở Chicago và Đại học Northwestern đã tái tạo thành công mô chức năng của bàng quang ở khỉ đầu chó bằng tế bào tủy xương của chính nó. Arun Sharma, tác giả của nghiên cứu cho biết: “Phương pháp tiếp cận sáng tạo của chúng tôi hứa hẹn sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong cuộc sống cho những trẻ em bị tật nứt đốt sống và những trẻ bị rối loạn chức năng bàng quang giai đoạn cuối khác. Trong nghiên cứu của chúng tôi, bàng quang bắt đầu hoạt động trong vòng vài tháng và thể hiện chức năng trong suốt quá trình nghiên cứu. Đây là một tiến bộ lớn sẽ làm thay đổi thực hành lâm sàng”.

Cách tiếp cận sáng tạo liên quan đến việc dùng một vi giàn giáo có khả năng phân hủy sinh học mới được tạo ra từ tế bào gốc và tế bào tiền thân lấy từ tủy xương của khỉ đầu chó. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các giàn giáo có hạt tế bào này tạo ra mô bàng quang khỏe mạnh, bao gồm cả cơ trơn, thần kinh và tái tạo mạch máu.

Bàng quang được tái tạo vẫn giữ được hình dạng của một bàng quang khỏe mạnh và nhóm nghiên cứu quan sát thấy dung tích bàng quang tăng dần theo thời gian. Họ nói rằng điều này đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhi bởi sự phát triển của bàng quang cần phải phù hợp với sự phát triển của bệnh nhân. Sau hai năm, mô bàng quang được tái tạo vẫn khỏe mạnh, đóng vai trò là mô hình tiền lâm sàng cho con người. Nhờ sử dụng tế bào tủy xương của khỉ đầu chó nên không có hiện tượng đào thải mô. Ngoài ra, giàn giáo phân hủy sinh học được phát hiện là không gây độc hại.

Sharma cho biết: “Kết quả có được thật tuyệt vời và chỉ ra một hướng đi mới trong lĩnh vực này. Nền tảng đổi mới của chúng tôi có thể có tính khả thi rất cao ở người và chúng tôi sẽ sớm triển khai thử nghiệm lâm sàng”.

Nguồn :từ trang web:vista.gov.vn.của cục thông tin KH&CN quốc gia