Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Thần kinh thuộc Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia (CHOP) đã phát triển một mô hình dự đoán những trẻ sơ sinh có khả năng bị co giật trong Đơn vị Chăm sóc đặc biệt dành cho Trẻ sơ sinh (NICU). Mô hình này có thể được kết hợp vào dịch vụ chăm sóc định kỳ để giúp xác định trẻ sơ sinh nào cần được đo điện não đồ (EEG) và trẻ sơ sinh nào có thể được quản lý theo cách an toàn trong NICU mà không cần theo dõi điện não đồ. Điều này sẽ cho phép các gia đình và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ sơ sinh mà không cần các thủ tục xâm lấn không cần thiết.

 

Co giật là vấn đề thần kinh phổ biến ở trẻ sơ sinh. Đặc biệt, khoảng 30% trẻ sơ sinh bị thiếu oxy tạm thời lên não (được gọi là bệnh não do thiếu oxy-thiếu máu cục bộ, hay HIE) sẽ bị co giật. Hầu hết các cơn co giật này chỉ có thể được phát hiện thông qua theo dõi điện não đồ, mà không chỉ đơn giản là quan sát lâm sàng. Trẻ sơ sinh mắc HIE có nguy cơ cao mắc các vấn đề về hành vi thần kinh và chứng động kinh sau này trong cuộc đời, đồng thời, việc phát hiện và điều trị các cơn co giật là rất quan trọng để giảm tổn thương do co giật, từ đó cải thiện kết quả cho trẻ sơ sinh bị co giật sớm.

Các hướng dẫn hiện nay cho thấy trẻ sơ sinh mắc HIE phải trải qua bốn đến năm ngày theo dõi điện não đồ để phát hiện các cơn co giật. Tuy nhiên, phương pháp này không phải lúc nào cũng khả thi, vì nhiều em bé trong số này được chăm sóc tại các NICU không được sử dụng điện não đồ liên tục (CEEG). Ngay cả các NICU trong mạng lưới chăm sóc sức khỏe quy mô lớn lớn thường chỉ có thiết bị điện não đồ hạn chế, đặc biệt là khi việc đọc các chỉ số điện não đồ làm mất nhiều thời gian của nhóm nhân viên chăm sóc, bao gồm cả bác sĩ và kỹ thuật viên.

Việc dự đoán trẻ sơ sinh nào sẽ bị co giật rất phức tạp và những nỗ lực trước đây để dự báo các cơn co giật trong tương lai bằng cách sử dụng dữ liệu lâm sàng và điện não đồ đã không mang lại kết quả chính xác cao. Để giải quyết những vấn đề này, các nhà nghiên cứu tại CHOP đã sử dụng dữ liệu từ biểu mẫu báo cáo EEG được công bố gần đây, được dùng cho tất cả các EEG để xây dựng mô hình dự đoán bằng phương pháp máy học.

"Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã sử dụng dữ liệu từ điện não đồ của hơn 1.000 trẻ sơ sinh để xây dựng các mô hình dự đoán cơn co giật ở trẻ sơ sinh", Jillian McKee, đồng tác giả nghiên cứu nói. "Dữ liệu này đã giúp chúng tôi xác định những trẻ sơ sinh cần được theo dõi điện não đồ trong NICU".

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng các mô hình dự đoán cơn co giật của trẻ dựa vào các đặc điểm điện não đồ được tiêu chuẩn hóa trong hồ sơ y tế điện tử. Nghiên cứu hồi cứu cho thấy rằng các mô hình này có thể dự đoán các cơn co giật, đặc biệt là các cơn co giật ở trẻ sơ sinh mắc HIE với độ chính xác hơn 90%. Các mô hình có thể được điều chỉnh để không bỏ sót các cơn co giật, hoạt động với độ nhạy lên tới 97% trong toàn bộ nhóm thuần tập và 100% ở trẻ sơ sinh mắc HIE trong khi vẫn duy trì độ chính xác cao. Các tác giả chỉ ra rằng đây là nghiên cứu đầu tiên báo cáo về mô hình dự đoán cơn co giật dựa trên các báo cáo chuẩn hóa có nguồn gốc lâm sàng. Nhóm nghiên cứu đã công khai mô hình này dưới dạng một công cụ trực tuyến.

Nhóm nghiên cứu tin rằng việc kết hợp mô hình này vào thực hành lâm sàng theo thời gian thực có thể cải thiện đáng kể chất lượng và hiệu quả của dịch vụ chăm sóc trẻ sơ sinh trong những ngày đầu đời quan trọng này.