Thân mềm của con sò điệp được bảo vệ nhờ có lớp vỏ cứng bên ngoài. Từ quan sát đó, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã sử dụng vỏ sò điệp để thiết kế ra mũ bảo hiểm Shellmet.
Sản phẩm này là kết quả hợp tác giữa Công ty THHH Công nghiệp hóa chất Koushi và Làng Sarufutsu, ngôi làng chài đánh bắt cá thải ra khoảng 40.000 tấn vỏ sò điệp mỗi năm. Ngoài một số công dụng tiềm năng, thì hầu hết vỏ sò điệp cuối cùng được vứt ra bãi rác.
Sử dụng quy trình do GS. Hiroshi Uyama tại trường Đại học Osaka tạo ra, vỏ sò được đun sôi và khử trùng, sau đó nghiền thành bột và tạo thành bột canxi cacbonat, trộn với bột nhựa thải loại tạo thành dạng viên. Những viên nhựa sinh học "Shellstic" sau đó được đổ vào khuôn mũ bảo hiểm và nung nóng, khiến chúng tan chảy.
Nhựa sinh học khi đã nguội và cứng lại, tạo thành sản phẩm là mũ bảo hiểm có thiết kế gân lấy cảm hứng từ vỏ sò. Thiết kế đó, có sự kết hợp của canxi cacbonat, được cho là làm cho mũ bảo hiểm chắc hơn khoảng 33% so với các loại khác. Ngoài ra, quy trình sản xuất phát thải ít khí thải nhà kính hơn khoảng 36% so với việc sử dụng 100% nhựa nguyên chất.
Mũ bảo hiểm Shellmet chủ yếu dành cho công nhân thủy sản sử dụng, dự kiến sẽ bắt đầu được thử nghiệm ứng dụng vào mùa xuân năm nay. Mũ bảo hiểm cũng có thể được cung cấp để sử dụng trong các tình huống thảm họa hoặc các tình huống khác cần phải dùng mũ cứng. Mũ bảo hiểm Shellmet sẽ được cung cấp năm màu với giá thành 4.800 yên (khoảng 36 USD).