Nhiễm trùng trực khuẩn Gram âm kháng carbapenem là một trong những vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn đáng quan ngại. Tổ chức Y tế Thế giới coi nhiễm trùng do vi khuẩn đa kháng kháng sinh là vấn đề khủng hoảng có tính chất toàn cầu. Các ca nhiễm trùng bệnh viện do các trực khuẩn Gram âm kháng carbapenem làm gia tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện và tăng chi phí điều trịnên việc phát triển các thuốc kháng sinh mới hoặc các kháng sinh β-lactam cũ phối hợp với các chất ức chế β-lactamase mới có hiệu quả với các loại vi khuẩn này là một trong nhữngvấn đề ưu tiên hàng đầu hiện nay.
K. pneumonia và P. aeruginosa là hai căn nguyên thường gặp nhất. Chúng đều có khả năng phát triển đề kháng nhanh ngay trong quá trình điều trị và khả năng lây truyền nhanh chóng trong môi trường bệnh viện. P. aeruginosa đề kháng carbapenem bằng nhiều cơ chế khác nhau nhưng cơ chế đề kháng imipenem phổ biến nhất là bất hoạt hoặc ức chế kênh porin OprD vận chuyển kháng sinh vào trong bào tương phối hợp với biểu hiện quá mức cephalosporinase AmpC và/hoặc biểu hiện quá mức hệ thống bơm đẩy kháng sinh ra ngoài màng bào tương hoặc sinh carbapenemase thủy phân kháng sinh. Cơ chế đề kháng carbapenem của K. pneumoniaelại chủ yếu do carbapenemase KPC, NDM, OXA-48- like hoặc phối hợp các enzyme này với nhau. Imipenem/relebactam là một kháng sinh β-lactam cũ (imipenem) phối hợp với các chất ức chế β-lactamase mới (relebactam) có hoạt tính trên các chủng vi khuẩn Gram âm sinh β-lactamase nhóm A và nhóm C được cơ quan quản lý dược phẩm liên minh châu âu và cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ phê duyệt sử dụng từ năm 2020 cho điều trị nhiễm trùng tiết niệu có biến chứng, nhiễm trùng ổ bụng, viêm phổi bệnh viện, viêm phổi liên quan đến thở máy ở những bệnh nhân còn ít hoặc không có lựa chọn điều trị khác. Tuy nhiên, hiệu quả in vitro của imipenem/relebactam trên các quần thể vi khuẩn ở các khu vực khác nhau không giống nhau.
Để có được dữ liệu cơ sở ban đầu về mức độ nhạy cảm với imipenem/relebactam của các chủng P. aeruginosa và K. pneumoniae kháng carbapenem do sinh carbapenemase nhóm A phân lập tại Bệnh viện Bạch Mai, giúp cho các bác sĩ lâm sàng có thể cân nhắc lựa chọn thuốc trước khi sử dụng, bà Phạm Hồng Nhung - Trường Đại học Y Hà Nội và bà Nguyễn Thị Vân Anh - Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện nghiên cứu “Mức độ nhạy cảm với kháng sinh mới imipenem/relebactam của các chủng Klebsiella pneumoniae và Pseudomonas aeruginosa kháng carbapenem” nhằm đánh giá mức độ nhạy cảm với imipenem/relebactam của các chủng P. aeruginosa và K. pneumoniae đề kháng carbapenem do sinh carbapenemase nhóm A phân lập tại Bệnh viện Bạch Mai năm 2024.
Kết quả cho thấy, 38 chủng Klebsiella pneumoniae sinh carbapenemase nhóm A và 42 chủng Pseudomonas aeruginosa sinh carbapenemase nhóm A hoặc đề kháng carbapenem theo cơ chế không sinh carbapenemase phân lập tại Bệnh viện Bạch Mai năm 2024 được xác định giá trị nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) imipenem/relebactam bằng phương pháp Etest. Kết quả cho thấy mức độ nhạy cảm với imipenem/relebactam của các chủng K. pneumoniae là 92,1% (MIC50 = MIC90 = 0,5 µg/ml), của các chủng P. aeruginosa là 21,4% (MIC50 = MIC90 > 32 µg/ml). Imipenem/relebactam là một lựa chọn mới cho điều trị các nhiễm trùng do K. pneumoniae và P. aeruginosa kháng carbapenem nhưng nên sử dụng sau khi có kết quả kháng sinh đồ.
Trong phạm vi nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu chưa thực hiện được việc phát hiện đầy đủ các cơ chế đề kháng nên chưa thể kết luận được chính xác nguyên nhân đề kháng cao ở các chủng P. aeruginosa phân lập được tại Bệnh viện Bạch Mai. Cho dù cơ chế đề kháng như thế nào thì đây cũng là những thông tin không mấy khả quan cho kháng sinh mới thậm chí còn chưa được đưa vào sử dụng điều trị tại Bệnh viện. Tỷ lệ các chủng P. aeruginosa đã kháng với imipenem/relebactam nhưng còn nhạy cảm với ceftazidime/avibactam khá cao (72,7%) nên với các chủng P. aeruginosa sinh carbapenem nhóm A hoặc đề kháng carbapenem theo cơ chế không sinh carbapenemase, ceftazidime/avibactam là lựa chọn điều trị tốt hơn imipenem/relebactam. Với các chủng P. aeruginosa đã kháng carbapenem thì các kháng sinh cũ như aminolycoside, kháng sinh β-lactam cũ hay nhóm quinolone đều hầu như không còn tác dụng. Các chủng này đều thuộc nhóm khó điều trị. Do vậy, các lựa chọn cho điều trị cho nhóm này rất hạn chế ngay cả với các kháng sinh mới như imipenem/relebactam cũng ít tác dụng mặc dù chưa được đưa vào sử dụng cho điều trị. Các kháng sinh mới như imipenem/relebactam, ceftazidime/avibactam được khuyến cáo là có hiệu quả trên các trực khuẩn Gram kháng carbapenem do sinh carbapenemase nhóm A nhưng ở các quần thể vi khuẩn lưu hành ở các khu vực khác nhau, vi khuẩn có thể có phối hợp thêm các cơ chế đề kháng khác thì hiệu quả của các kháng sinh mới cũng không hoàn toàn giống nhau và cũng khó có thể dự đoán được. Do vậy, thử nghiệm kháng sinh đồ trực tiếp cho các kháng sinh mới trước khi quyết định lựa chọn sử dụng là rất cần thiết để đảm bảo được hiệu quả điều trị khi sử dụng các kháng sinh mới đắt tiền này.
Nguồn:tư trang web:vista.gov.vn.của cục thông tin kh&CN quốc gia