Ở Việt Nam, khoai tây được đưa vào trồng từ những năm 1890 do người Pháp mang đến. Đến nay, khoai tây vẫn là cây trồng quan trọng trong cơ cấu sản xuất cây trồng vụ Đông. Theo Tổng cục thống kê năm 2018, các tỉnh phía Bắc diện tích đạt 20.600 ha, năng suất đạt 15,90 tấn/ha và sản lượng đạt 313,000 nghìn tấn. Trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) có diện tích khoai tây lớn nhất với gần 12 nghìn ha và ổn định qua các năm. Do khó khăn về nguồn giống tốt, nhu cầu và khả năng đầu tư lớn, sản xuất gặp điều kiện thời tiết bất thuận nên diện tích khoai tây đang có xu hướng giảm hoặc không tăng ở hầu hết các vùng trồng khoai tây. Vì thế, giải quyết vấn đề giống mới, chất lượng củ giống và nhân giống sạch bệnh đủ về lượng đáp ứng cho sản xuất là quan trọng trong hệ thống sản xuất khoai tây ở nước ta hiện nay. Chọn tạo giống khoai tây chất lượng đáp ứng nhu cầu ăn tươi và chống chịu được bệnh virus, mốc sương cũng như nghiên cứu chọn tạo ra những giống khoai tây mới có tiềm năng năng suất, chất khô cao và chất lượng phù hợp cho ăn tươi và có thể chế biến được là rất cần thiết đang được đặt ra cho các nhà nghiên cứu về cây khoai tây ở Việt Nam.

Xuất phát từ những lý do nêu trên, từ năm 2016 đến năm 2020, ThS. Nguyễn Thị Nhung cùng các cộng sự tại Viện cây lương thực và cây thực phẩm đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chọn tạo giống khoai tây phục vụ chế biến và ăn tươi đạt năng suất cao”.

Đề tài hướng đến thực hiện mục tiêu sau: chọn tạo giống khoai tây đạt năng suất cao, phẩm chất tốt, chống chịu một số bệnh hại chính mốc sương/virus đáp ứng thị trường ăn tươi và chế biến, tăng hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người sản xuất ở vùng trồng khoai tây chính.

Đề tài đã thu được những kết quả nổi bật sau:

- Đã chọn lọc được 17 dòng triển vọng từ các tổ hợp hạt lai: 514-4; 514- 13; 515-59; 516-51; 521-62; 523-49; 525-67; 525-116; 526-38; 16-2-49; 16-3-92; 16- 4-87; 17-1-105; 17-2-140; 17-3-87; 17-4-56; 17-5-257 năng suất đạt 16,57-22,19 tấn/ha, hình dạng củ oval, màu sắc vỏ và ruột củ màu vàng, mắt củ nông và nhiễm nhẹ bệnh mốc sương.

- Chọn được 10 giống triển vọng (số 86, số 79, số 102, số 135, số 132, H11.6, 98A.1, 26.2.1. VC9 và H2) từ nguồn vật liệu khởi đầu có dạng cây nửa đứng, tiềm năng năng suất cao > 20 tấn/ha, dạng củ oval, vỏ củ và ruột củ màu vàng, độ sâu mắt củ nông, chất lượng tốt.

- Chọn lọc được 21 dòng/giống bằng lây nhiễm nhân tạo (KT1; số 77, KT4, 466-22; 505-27, 508-15; 505-42; 466-9; 460-1; KT9; 501-3; 506-25; 460-18; 6-77; 12KT3-1; 2-12; 10-79; số 5; số 70; TK.1 và 10-167) chống chịu bệnh mốc sương, bệnh virus tốt. Tất cả các dòng/giống trên là nguồn vật liệu phục vụ nghiên cứu tiếp theo cho công tác chọn lọc, so sánh đánh giá và khảo nghiệm giống khoai tây mới.

- Đã xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác cho 02 giống khoai tây mới (giống KT4 cho ăn tươi và giống TK13.2 cho chế biến): thời vụ trồng: vụ Đông vùng đồng bằng sông hồng trồng từ 20/10 đến 30/11.

- Đã xây dựng mô hình cho hai giống khoai tây mới: i) Xây dựng được 2 mô hình giống KT4 (ăn tươi) (1,5 ha/mô hình/điểm) tại Bắc Ninh năng suất đạt 25,21 tấn/ha cao hơn 14,1% so với đối chứng Solara (đạt 22,09 tấn/ha), tại Nam Định năng suất đạt 25,66 tấn/ha cao hơn 14,7% so với đối chứng Solara (đạt 22,37 tấn/ha). Xây dựng được 1 mô hình cho giống TK13.2 (chế biến) (1,5ha/mô hình) tại Đà Lạt năng suất đạt 24,95 tấn/ha cao hơn 14,3% so với đối chứng Atlantic.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17603/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.