Mặc dù sản xuất ngô phát triển nhưng thực tế sản xuất vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ngô trong nước. Năm 2016 lượng ngô hạt nhập khẩu là 8,65 triệu tấn với trị giá 1,67 tỷ USD, số liệu sơ bộ năm 2017 là trên 7,73 triệu tấn với trị giá trên 1,5 tỷ USD, năm 2018 là 10,18 triệu tấn với trị giá 2,12 tỷ USD.

 

Năm 2018, diện tích sản xuất ngô của các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc là 455.900 ha chiếm 43,9% diện tích trồng ngô của cả nước và 90% diện tích ngô là nhờ nước trời. Năng suất trung bình của cả vùng là 39,4 tạ/ha tương đương 83,5% năng suất trung bình cả nước. Một trong những nguyên nhân làm cho năng suất ngô vùng trung du miền núi phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung thấp là do hạn. Do vậy, cần có một bộ giống ngô lai chịu hạn phục vụ sản xuất ngô của các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc để giảm thiệt hại do hạn hán gây ra. Vì thế, nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Tiến Trường tại Viện Nghiên cứu ngô đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chọn tạo giống ngô lai chịu hạn, năng suất cao phục vụ chuyển đổi cây trồng cho vùng trung du miền núi phía Bắc” từ năm 2015 đến năm 2019.

Đề tài hướng đến thực hiện mục tiêu sau: Chọn tạo được giống ngô thích ứng cho sản xuất ở các vùng trồng ngô miền núi phía Bắc có khả năng chịu hạn đầu vụ Hè Thu, và cuối vụ Thu Đông (sau gieo 2 tuần không mưa tỷ lệ mọc đạt 75 - 80%, trước trỗ 1 - 2 tuần không mưa tỷ lệ kết hạt đạt 80 - 85%, 2 tuần trước thu hoạch không mưa năng suất giảm nhiều nhất 10%), chất lượng hạt tốt, năng suất đạt từ 8 - 10 tấn/ha.

Đề tài đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ với mức độ hoàn thành từ 100 - 300% về số lượng, về chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn cấp Viện và cấp ngành. Đặc biệt là 4 giống ngô lai sản phẩm của đề tài đang được ứng dụng vào sản xuất ngô trên phạm vi cả nước. Ngoài ra, đề tài đã chọn tạo được 270 dòng ngô thuần trong đó có 9 dòng có độ đồng đều, khả năng kết hợp cao và chống chịu tốt; 01 giống ngô GL-787 được công nhận chính thức; 03 giống ngô GL-777, GL-797 và MK399 được công nhận cho sản xuất thử; 03 quy trình thâm canh cho giống ngô GL-787, GL-777 và MK399; 03 quy trình sản xuất hạt lai F1 cho giống ngô GL-787, GL-777 và MK399.

Việc phát triển ngô gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm sử dụng hiệu quả nhất tài nguyên thiên nhiên (đất, khí hậu, nguồn nước…) hạn chế dần nhập khẩu, tiến tới tự đáp ứng được nhu cầu ngô trong nước, góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho nông dân và phát triển ổn định hơn là cần thiết.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17322/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.