Các dự án thủy điện thường nằm ở vùng rừng núi nên khi xây dựng cần phải khai quang một diện tích lớn để xây các hạng mục công trình như: đập, nhà máy, đường dây, đường sá... Phần lòng hồ thường chiếm diện tích lớn nhất sẽ bị ngập nước, dân cư trong vùng phải được di dời đi chỗ khác. Như vậy, để xây dựng các công trình thủy điện thì phải sử dụng đất với diện tích khá lớn, làm ảnh hưởng đến môi trường thiên nhiên có sẵn trước đó và tác động lên hệ sinh thái của khu vực; đời sống của dân cư trong vùng cũng như các giá trị văn hóa lịch sử của khu vực chịu ảnh hưởng cũng sẽ bị thay đổi hoặc biến mất hoàn toàn. Nói cách khác, việc sử dụng đất cho mục đích thủy điện sẽ có tác động rất lớn đến kinh tế, xã hội, môi trường nên cần phải phân tích, đánh giá đầy đủ, đúng đắn những lợi ích mà nó mang lại, cũng như những thiệt hại mà nó gây ra; từ đó có sự cân nhắc khi quyết định đầu tư thực hiện dự án thủy điện và bố trí sử dụng đất cho dự án đó.

 

Vì thế, nhóm nghiên cứu của ThS. Lê Gia Chinh tại Viện nghiên cứu quản lý đất đai đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, đánh giá tác động của việc quản lý sử dụng đất các công trình thủy điện đến kinh tế, xã hội, môi trường và đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất đối với công trình thủy điện” trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2020.

Đề tài hướng đến thực hiện các mục tiêu sau: xây dựng luận cứ khoa học về đánh giá tác động của việc quản lý, sử dụng đất phát triển công trình thủy điện đến kinh tế, xã hội và môi trường; đánh giá tác động tích cực và tiêu cực của việc quản lý, sử dụng đất phát triểncông trình thủy điện đến kinh tế, xã hội và môi trường; và đề xuất giải pháp khắc phục các tác động tiêu cực và hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất phát triển các công trình thủy điện.

Đề tài đã thực hiện hoàn thành các nội dung nghiên cứu chính như sau:

1. Nghiên cứu tổng quan tác động của việc quản lý, sử dụng đất thủy điện đến kinh tế, xã hội và môi trường: (1) Khái quát một số vấn đề có liên quan gồm: một số khái niệm; vai trò, ý nghĩa của việc phát triển của các công trình thủy điện; tác động của việc quản lý, sử dụng đất thủy điện đến kinh tế, xã hội, môi trường; các yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của các công trình thủy điện; khái quát tình hình phát triển thủy điện ở nước ta; một số phương pháp và công cụ sử dụng để đánh giá; (2) Chính sách, pháp luật có liên quan đến phát triển thủy điện gồm: quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về phát triển thủy điện; chính sách, pháp luật đất đai; một số chính sách, pháp luật khác có liên quan; đánh giá chung về chính sách, pháp luật; (3) Tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước: Tình hình nghiên cứu và kinh nghiệm về thủy điện ở nước ngoài (thủy điện sông Mê Kông, thủy điện ở các nước Trung Quốc, Lào, Nhật Bản) và rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam; đánh giá tình hình nghiên cứu trong nước.

2. Xây dựng bộ tiêu chí và thực trạng tác động của việc quản lý, sử dụng đất đến kinh tế, xã hội, môi trường gồm các nội dung: (1) Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá tác động của việc quản lý, sử dụng đất các công trình thủy điện đến kinh tế, xã hội, môi trường; (2) Tình hình quy hoạch các công trình thủy điện; (3) Thực trạng quản lý, sử dụng đất các công trình thủy điện: đất xây dựng các hạng mục công trình, đất vùng lòng hồ thủy điện, đất bán ngập, đất hành lang bảo vệ lòng hồ; (4) Thực trạng tác động của việc quản lý, sử dụng đất các công trình thủy điện đến kinh tế, xã hội, môi trường.

3. Đề xuất bổ sung, hoàn thiện một số quy định pháp luật đất đai có liên quan đến quản lý, sử dụng đất thủy điện bao gồm: (1) Đề xuất một số quy định về quy hoạch sử dụng đất các công trình thủy điện; (2) Đề xuất một số quy định về quản lý, sử dụng đất xây dựng công trình thủy điện: thu hồi đất, giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án thủy điện; giao đất, cho thuê đất đối với dự án thủy điện sau khi đi vào vận hành; lập và thực hiện dự án tái định cư thuộc dự án thủy điện; (3) Đề xuất một số quy định về quản lý, sử dụng đất vùng lòng hồ: cho thuê đất có mặt nước chuyên dùng là hồ thủy điện; chế độ sử dụng đất có mặt nước chuyên dùng là hồ thủy điện; sử dụng đất bán ngập lòng hồ thủy điện; (4) Đề xuất một số quy định về quản lý, sử dụng đất vùng hành lang bảo vệ lòng hồ; (5) Đề xuất một số nội dung về cơ chế quản lý, sử dụng đất các công trình thủy điện theo đặc thù khu vực; (6) Đề xuất một số giải pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực của việc quản lý, sử dụng đất các công trình thủy điện đến kinh tế, xã hội, môi trường

Việc nghiên cứu, đánh giá tác động của việc quản lý, sử dụng đất các công trình thủy điện đến kinh tế, xã hội, môi trường là quá trình nghiên cứu tương đối tổng thể và toàn diện các vấn đề về những tác động tích cực, tiêu cực của thủy điện đến phát triển kinh tế, xã hội, môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu “giám sát sử dụng đất đảm bảo quản lý đất đai hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường”.

Kết quả nghiên cứu đã đề xuất bổ sung một số quy định về quản lý, sử dụng đất các công trình thủy điện nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho việc quản lý, sử dụng đất thủy điện hợp lý, có hiệu quả, giải quyết hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế với an toàn về xã hội và bảo vệ môi trường; thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18362/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.