Đất đai là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá của mỗi quốc gia, gắn liền với cuộc sống của con người, là nguồn lực để phát triển kinh tế -xã hội đất nước. Việt Nam có tổng diện tích tự nhiên trên 33,133 triệu hecta với địa hình phần lớn là đồi núi chiếm ¾ diện tích lãnh thổ. Diện tích đất nông nghiệp trên 27,977 triệu ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm trên 55,28%. Đây là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra, đánh giá đất đai cả nước, các vùng kinh tế - xã hội công bố năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước có trên 11,838 triệu ha đất bị thoái hóa chiếm 35,7% diện tích tự nhiên cả nước. Trong đó, diện tích đất lâm nghiệp bị thoái hóa là 4,969 triệu ha, chiếm 42,0% diện tích đất thoái hóa trên toàn quốc. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, tự nhiên hoặc con người, đất đai nói chung và đất lâm nghiệp nói riêng bị thoái hóa và có nguy cơ sa mạc hóa ở nhiều vùng dẫn đến nhiều thách thức nghiêm trọng về mất đa dạng sinh học, đe dọa trực tiếp đến môi trường sống và sinh kế của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số của nước ta. Tại Quyết định số 204/2006/QĐ-TT ngày 02/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình hành động Quốc gia chống Sa mạc hóa giai đoạn 2006 -2020 và định hướng đến năm 2020 nhấn mạnh bốn vùng ưu tiên thực hiện việc phòng, chống sa mạc hóa cấp bách tại Việt Nam là Tây Bắc, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyênvà Tứ giác Long Xuyên.
Lai Châu là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc nước ta với địa hình hiểm trở, đặc trưng là các dải núi, nhánh núi với độ cao trên 1.500m, 90% diện tích tự nhiên có độ dốc lớn trên 250, xen kẽ là các thung lũng hoặc lòng chảo có địa hình tương đối bằng phẳng. Lượng mưa trung bình năm từ 1.600-3.000 mm, phân bổ không đều theo các tháng trong năm và tập trung chủ yếu vào tháng 6 đến tháng 8. Ngoài yếu tố con người thì điều kiện tự nhiên cũng là một trong những nguyên nhân làm cho quá trình thoái hóa đất diễn ra phổ biến hơn và thay đổi theo thời gian tại tỉnh Lai Châu. Tuy nhiên, nghiên cứu về thoái hóa đất tại Lai Châu còn rất hạn chế. Năm 2019, UBND tỉnh Lai Châu đã công bố kết quả dự án điều tra, đánh giá thoái hóa đất kỳ đầu, nhưng diện tích đất thoái hóa nói chung, đất lâm nghiệp bị thoái hóa nói riêng đang diễn ra phức tạp và thay đổi theo từng năm. Chính vì vậy, nghiên cứu đánh giá, phân cấp mức độ thoái hóa đất lâm nghiệp ở tỉnh Lai Châu, Việt Nam hiện nay là cần thiết để các nhà quản lý trong lĩnh vực lâm nghiệp của tỉnh phần nào đưa rađược các biện pháp bảo vệ, sử dụng đất hiệu quả và bền vững.
Đất lâm nghiệp ở nhiều vùng đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng do thoái hóa đất, tác động to lớn đến an toàn hệ sinh thái, an sinh xã hội, an ninh lương thực và phát triển bền vững. Tây Bắc là một trong bốn vùng trọng điểm về sa mạc hoá của Việt Nam. Nghiên cứu thực hiện tại tỉnh Lai Châu, các loại hình thoái hóa đất lâm nghiệp được đánh giá và phân cấp theo bốn mức độ khác nhau là (i) thoái hóa nhẹ; (ii) thoái hóa trung bình; (iii) thoái hóa nặng; và (iv) không thoái hoá.
Phương pháp chồng xếp bản đồ chuyên đề: đất bị xói mòn do mưa, đất bị khô hạn và đất bị suy giảm độ phì được sử dụng. Kết quả cho thấy, đất lâm nghiệp của tỉnh Lai Châu (năm 2022) bị xói mòn do mưa ở mức trung bình chiếm ưu thế (211.226,51 ha), trong khi hai loại hình còn lại phần lớn đất có biểu hiện thoái hóa nhẹ (379.534,20 ha đất bị khô hạn nhẹ và 156.567,45 ha đất bị suy giảm độ phì nhẹ). Theo đó, tổng diện tích đất bị thoái hóa nhẹ là 204.812,98 ha (chiếm 42,07%), đất bị thoái hóa trung bình là 148.391,93 ha (chiếm 30,48%), và đất bị thoái hóa nặng là 64.721,68 (chiếm 13,29%), đất không bị thoái hóa là 68.946,95 ha (chiếm 14,16%). Trên 80% diện tích đất lâm nghiệp của các huyện/thành phố đều bị thoái hóa ở các mức độ khác nhau. Việc xác định mức độ thoái hóa là cần thiết để đề xuất các biện pháp tác động phù hợp, tăng hiệu quả phục hồi và sử dụng bền vững đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: P.T.T - NASATI (tổng hợp)