Điện năng luôn là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các nước trên thế giới. Tất cả các khâu trong cuộc sống, từ sản xuất kinh doanh đến sinh hoạt tiêu dùng hàng ngày đều sử dụng điện năng như một công cụ thiết yếu để chuyển đổi năng lượng sang các mục đích khác nhau. Tại Việt Nam, việc triển khai đầu tư xây dựng các công trình điện liên quan đến rất nhiều cơ chế, chính sách pháp lý khác nhau như Luật Điện lực, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp...; các Thông tư, Nghị định hướng dẫn quy trình, thi hành Luật; các Quyết định của Thủ tướng về cơ chế hỗ trợ đặc thù, phê duyệt chiến lược về năng lượng, về điện... Quá trình triển khai các công trình điện bao gồm khâu chuẩn bị đầu tư và khâu thực hiện đầu tư, trong đó công tác chuẩn bị đầu tư hiện nay chiếm khá nhiều thời gian và khó kiểm soát tiến độ do có nhiều quy định chồng chéo hoặc không rõ ràng. Các vướng mắc chính trong quá trình đầu tư dự án điện có thể kể đến như: phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, phê duyệt thiết kế dự án, thu xếp vốn, bảo vệ môi trường, đền bù giải phóng mặt bằng, năng lực tổ chức và quản lý của các Đơn vị thực hiện dự án.

 

Để giải quyết triệt để các vấn đề nêu trên đòi hỏi cần phải có sự tham gia của tất cả các ngành, các cấp.  Tuy nhiên, việc nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách cho việc thực hiện dự án đầu tư trong ngành điện là vấn đề cần thiết. Do vậy, năm 2019, ThS. Lê Long cùng các cộng sự tại Vụ Năng lượng thuộc Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đổi mới cơ chế, chính sách thực hiện dự án đầu tư trong ngành điện

Đề tài hướng đến thực hiện các mục tiêu sau: chỉ ra được các vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình đầu tư xây dựng công trình điện tại Việt Nam gây ảnh hưởng đến công tác đầu tư; tổng kết được kinh nghiệm về đầu tư các công trình điện của một số nước trên thế giới có thể xem xét áp dụng vào điều kiện tại Việt Nam; và đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách trên cơ sở pháp luật Việt Nam có sự tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới.

Năm 2019, tình hình cung cấp điện, vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2019 vẫn đảm bảo đáp ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như các nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân; đặc biệt đã không phải thực hiện điều hoà, tiết giảm điện trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, trong những năm tới, khả năng thiếu hụt điện là rất rõ ràng nếu các công trình điện đang chậm tiến độ vẫn tiếp tục chậm và không thể hoàn thành. Giai đoạn 2021 - 2025, ước tính mỗi năm sẽ thiếu hụt khoảng 7 - 8 tỷ kWh. Ngoài nguyên nhân chủ yếu là các công trình nguồn điện chậm tiến độ vào vận hành, tình hình thủy văn không thuận lợi và khả năng suy giảm trong việc cung cấp nhiên liệu cho phát điện đã ảnh hưởng lớn đến việc cung ứng điện cho hệ thống.

Quá trình thực hiện triển khai các dự án giai đoạn vừa qua cho thấy, nhiều dự án công trình điện, đặc biệt là các dự án ngoài EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), thường bị chậm nhiều so với quy hoạch. Ngoài các nguyên nhân khách quan như khó khăn về thu xếp vốn, đền bù giải phóng mặt bằng, các vướng mắc về cơ chế, chính sách thực hiện đầu tư xây dựng công trình điện cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ dự án như vướng mắc về luật quy hoạch, cơ chế quản lý đầu tư xây dựng, cơ chế hình thức đầu tư,... Cần thiết phải có sự nghiên cứu, rà soát lại các quy định của pháp luật trong quá trình đầu tư và đề xuất các giải pháp sửa đổi, nhằm hoàn thiện hơn cơ chế, chính sách giúp cho công tác đầu tư được nhanh chóng, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật. Cơ chế, chính sách phù hợp cho việc thực hiện dự án đầu tư trong ngành điện là một trong các yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc bảo đảm cho ngành điện phát triển hiệu quả, lành mạnh, góp phần bảo đảm an ninh cung cấp điện, nâng cao chất lượng điện năng, hiệu quả sử dụng điện, đảm bảo thực hiện vai trò của ngành điện đối với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội.