Ngày nay, Internet đã phát triển vượt trội và có sẵn ở khắp mọi nơi tạo điều kiện cho các thiết bị thu và xem truyền hình tích hợp mạng Internet phát triển bùng nổ. Các thiết bị TV lai ghép sau này được gọi là TV thông minh xuất hiện ngày một nhiều hơn. Thông qua các thiết bị này, người xem có thể truy cập vào các video trực tuyến và nhiều dịch vụ khác ngay trên màn hình TV. Tuy nhiên các thiết bị lai ghép này còn bộc lộ 1 số hạn chế:

 

Thứ nhất, mỗi nhà sản xuất thiết bị lai ghép sử dụng trình duyệt khác nhau, hỗ trợ các giao thức và định dạng khác nhau, giải pháp kỹ thuật để cung cấp khả năng lai ghép không giống nhau giữa các nhà sản xuất. Một số dựa trên chuẩn CE-HTML chuẩn HTML dành cho thiết bị điện tử gia dụng, một số khác sử dụng JavaScript. Vì thế phải điều chỉnh nội dung để tương thích riêng với từng nhà sản xuất. Sự không đồng nhất, phân mảnh này gây cản trở đối với thị trường dịch vụ năng động luôn biến đổi. Thứ hai, mặc dù được hiển thị trên cùng màn hình, nhưng thường thế giới Internet và thế giới truyền hình hoàn toàn tách biệt. Việc chuyển qua lại giữa hai thế giới này bằng remote mà không có sự tham chiếu từ chương trình truyền hình đang xem với dịch vụ từ Internet, làm mất đi khả năng quan trọng đối với loại nội dung mới mà lẽ ra có thể được tham chiếu lẫn nhau. Một thiết bị lai ghép thực sự phải có sự liên kết giữa nội dung quảng bá và nội dung từ Internet.

Đứng trước thực tế đó, cần thiết phải có 1 dịch vụ chuẩn lai ghép cho phép có thể tận dụng hạ tầng mạng quảng bá có sẵn (mặt đất, cáp, vệ tinh) kết hợp với tất cả các công nghệ truy cập Internet (xDSL, cáp, WiFi…), để có thể sử dụng trên nhiều thiết bị và không bị rào cản phân mảnh, cho phép kết nối giữa nội dung truyền hình và dịch vụ gia tăng nhưng không làm ảnh hưởng đến trải nghiệm xem nội dung quảng bá. Chuẩn công nghệ mới này tận dụng các bộ phận có sẵn từ các tiêu chuẩn để xây dựng.

Hiện nay tại Việt Nam, mặc dù xu hướng xem và thưởng thức các nội dung của người dân dần chuyển dịch sang việc xem trên hạ tầng mạng Internet. Tuy nhiên, các hộ gia đình tại Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì việc xem chương trình truyền hình thông qua thiết bị TV truyền thống, thể hiện qua số lượng thuê bao truyền hình trả tiền trên loại hình truyền thống vẫn phát triển ổn định. Bên cạnh việc trả tiền để xem dịch vụ, người dân tại các tỉnh, thành phố lớn đã có thể thu và xem các kênh chương trình quảng bá trên hệ thống truyền hình mặt đất kỹ thuật số. Các thiết bị TV thu và giải mã kỹ thuật số đã và đang sẵn sàng tích hợp kết nối mạng Internet giúp gia tăng tiện ích sử dụng dịch vụ cho người dân. Tuy nhiên dịch vụ này có nhược điểm là người xem ít có sự tương tác, ít có sự lựa chọn xem các chương trình truyền hình, nội dung theo yêu cầu, nội dung phát lại, các dịch vụ nội dung Internet không ổn định.

Xuất phát từ thực tiễn đó, Cơ quan chủ trì Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Đỗ Quang Lộc thực hiện Nghiên cứu giải pháp ứng dụng tiêu chuẩn IBB, HBBTV vào thực tiễn cung cấp dịch vụ truyền hình tại Việt Nam” với mục tiêu: Nghiên cứu tìm hiểu cơ bản về công nghệ IBB, HbbTV, các đặc tính kỹ thuật chính, một số ưu nhược điểm của dịch vụ; Nghiên cứu tình hình triển khai dịch vụ này trên thế giới và tại Việt Nam; Đánh giá khách quan xu hướng phát triển của dịch vụ và khả năng triển khai ứng dụng dịch vụ tại Việt Nam.

Trong vài năm trở lại đây, trên thế giới các hãng sản xuất thiết bị TV đã và đang tích hợp các kết nối Internet như là một phần không thể thiếu của thiết bị. Ban đầu các thiết bị này được gọi là thiết bị TV lai ghép, sau này đã được gọi tên là TV thông minh (Smart TV). Các thiết bị TV đã chuyển mình từ tiếp cận tín hiệu theo 1 chiều giờ đây đã có thể xem các nhiều nguồn giải trí khác nhau trên màn hình TV. Chính nhờ có công nghệ Internet kết hợp với công nghệ số hóa giúp cho ngày càng có nhiều dịch vụ lai ghép được tạo ra, các thiết bị có thể dễ dàng đc đồng bộ và kết nối cùng đồng thời.

Mặc dù các thiết bị TV đã cho phép đưa nội dung Internet lên màn hình TV. Tuy nhiên các thiết bị này chưa hiển thị đầy đủ khả năng trong ngữ cảnh mới. Có thể nói nội dung đơn thuần chỉ là thiết bị cho phép sử dụng nhiều mục đích trên cùng 1 màn hình. Hoặc xem chương trình truyền hình, hoặc truy cập một số nội dung và chức năng khác thông qua kết nối Internet. Khoảng cách từ người dùng đến màn hình TV lớn hơn nhiều so với màn hình máy tính nên hầu hết các dịch vụ Internet trở nên quá nhỏ trên màn hình TV. Mặc dù được hiển thị trên cùng màn hình, nhưng thường thế giới Internet và thế giới truyền hình hoàn toàn tách biệt. Việc chuyển qua lại giữa hai thế giới này bằng remote mà không có sự tham chiếu từ chương trình truyền hình đang xem với dịch vụ từ Internet. Tức làm mất đi khả năng quan trọng đối với loại nội dung mới mà lẽ ra có thể được tham chiếu lẫn nhau.

Chính vì vậy, từ năm 2009, hầu hết các công ty lớn trong trong ngành công nghiệp truyền hình, cả về phần cứng lẫn phần mềm gồm ANT, ASP, IRT, Open TV, Phillips, French HD Forum, Samsung cùng hợp tác phát triển một nền tảng kỹ thuật chung cho phép khả năng kết nối thông minh trên các thiết bị giải trí truyền hình, khai thác nhiều loại nội dung và tính năng từ Internet. Sau quá trình nghiên cứu phát triển, đến năm 2012, tổ chức Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) đã ban hành các khuyến nghị liên quan đến công nghệ kết hợp giữa mạng phát sóng quảng bá và mạng băng rộng mặt đất với tên gọi là IBB (Intergrated Broadcast-Broadband).

Trong phạm vi của đề tài, nhóm nghiên cứu đề tài đã tìm hiểu về công nghệ IBB, HbbTV và tình hình triển khai công nghệ IBB, HbbTV trên thế giới cũng như tìm hiểu về tình hình nghiên cứu triển khai công nghệ HbbTV phù hợp tại Việt Nam. Có thể nói để phát triển dịch vụ truyền hình quảng bá giúp tiếp cận tới đông đảo khán giả thì công nghệ HbbTV chính là sự lựa chọn hợp lý. Các tiêu chuẩn của HbbTV đã được các tổ chức trên thế giới xây dựng và cập nhật hoàn thiện để có thể ứng dụng triển khai ở khắp mọi nơi trên thế giới. Trong khoảng 2 năm trở lại đây, trước sự phát triển của các dịch vụ OTT TV xuyên biên giới, HbbTV đã được các nước Đông Nam Á áp dụng để cạnh tranh với các dịch vụ OTT TV xuyên biên giới.

Công nghệ truyền hình HbbTV tận dụng hạ tầng truyền dẫn phát sóng có sẵn kết hợp với mạng Internet giúp cho người xem có cách tiếp cận mới để xem dịch vụ, đẩy mạnh tính tương tác, tập trung các nội dung theo hướng cá nhân hóa. Thông qua kết quả nghiên cứu và thử nghiệm dịch vụ HbbTV của Đài truyền hình Việt Nam trong năm 2014 cho thấy việc ứng dụng công nghệ truyền hình HbbTV trong hoạt động cung cấp dịch vụ tại thị trường Việt Nam về cơ 15 bản đã hội tụ đủ các điều kiện về mặt kỹ thuật, mặt khác tại Việt Nam các thiết bị hỗ trợ HbbTV đã và đang dần trở nên phổ biến hơn trong vài năm trở lại đây.

Trong tương lai, việc phát triển đẩy mạnh công nghệ truyền hình HbbTV thể hiện sự phù hợp với các chiến lược quy hoạch đẩy mạnh số hóa truyền hình ứng dụng các công nghệ mới, phục vụ tốt cho công tác tuyên truyền, quảng bá của Nhà nước tới đông đảo đối tượng người xem. Khi dịch vụ được thử nghiệm triển khai, kết quả nghiên cứu đề tài sẽ là cơ sở khoa học để Cục PTTH&TTĐT nghiên cứu, thẩm định đánh giá năng lực và quá trình triển khai cung cấp dịch vụ của một đối tượng cụ thể; phục vụ cho việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng dịch vụ đối với công nghệ này.