Từ năm 1977 cho đến nay, nhiều chương trình điều tra, nghiên cứu về Khoa học và Công nghệ Biển cấp Nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý. Các kết quả nghiên cứu đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về địa chất, địa vật lý, triển vọng khoáng sản, địa chất môi trường ở Biển Đông (BĐ). Tuy nhiên các nghiên cứu trên chỉ có ý nghĩa nghiên cứu cơ bản về cấu trúc địa chất, kiến tạo, địa động lực, triển vọng khoáng sản, địa chất môi trường cũng như phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế biển. Do đó, đến nay chưa có các nghiên cứu trực tiếp về khoáng sản rắn trũng sâu BĐ trong mối quan hệ hữu cơ một cách hệ thống với kiến tạo, magma, trầm tích Neogene - Đệ Tứ. Hơn thế nữa, các kết quả về nghiên cứu magma các trũng sâu BĐ, thậm chí tại khu vực thềm lục địa Nam Trung bộ hầu như không đáng kể.

Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu của PGS. TS. Nguyễn Hoàng tại Viện Địa Chất đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu hoạt động magma Neogen-Đệ Tứ khu vực Tây Nam trũng sâu Biển Đông và kế cận làm tiền đề tìm kiếm khoáng sản rắn” từ năm 2018 đến năm 2020.

Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu (1) làm sáng tỏ quy luật phân bố, nguồn gốc, điều kiện thành tạo magma Neogene - Đệ Tứ trong mối liên quan với lịch sử hình thành và tiến hoá BĐ, và (2) xác định được các tiêu chí đánh giá khu vực triển vọng khoáng sản rắn liên quan tới hoạt động magma Neogene - Đệ Tứ khu vực Tây Nam trũng sâu BĐ và kế cận.

Đề tài đã thu được các kết quả như sau:

- Xác định các điều kiện quan trọng và cấp thiết cho việc nghiên cứu, xác định các giai đoạn hoạt động magma liên quan tách giãn BĐ. Xác định mối quan hệ giữa magma Tây Nam trũng sâu BĐ và lục địa Đông Dương với magma trũng BĐ; đặc biệt là liên quan giữa các giai đoạn hoạt động magma với khoáng sản rắn.

- Về magma núi lửa, trên cơ sở dữ liệu hoá học và thạch học, đề tài đã xác định được (1) giai đoạn magma núi lửa xuất hiện đồng thời với quá trình tách giãn BĐ (33-16 triệu năm trước); (2) các giai đoạn núi lửa phát sinh sau tách giãn BĐ (< 16 triệu năm) trên bán đảo Đông Dương và sự tiến hoá địa hoá – thạch học của chúng, thành lập được bản đồ phân bố basalt Pliocene - Đệ Tứ đối với khu vực Tây Nam trũng sâu BĐ và kế cận; (3) tương quan nguồn manti của magma núi lửa các khu vực Tây Nam trũng sâu BĐ và kế cận; (4) động lực và tiến hoá manti, và (5) mặt cắt nhiệt áp manti bên dưới các khu vực magma phun trào khu vực nghiên cứu; một kết quả nghiên cứu quan trọng là, (6) xác lập tính liên tục giữa lục địa Việt Nam và BĐ trên cơ sở hoạt động núi lửa nội mảng.

Về khoáng sản, dữ liệu hoá học nguyên tố và đồng vị phóng xạ các mẫu vỏ Fe-Mn và bùn sét, đề tài đã (1) xác định bản chất và thành phần vật chất vỏ Fe-Mn khu vực nghiên cứu, tốc độ phát triển và tuổi hình thành, đồng thời dự báo các khu vực phân bố, làm tiền đề dự báo về loại hình khoáng sản này; (2) xác định thành phần đất hiếm của bùn sét (ngoài các nhiệm vụ được giao) trên mặt cắt từ thềm lục địa đến trũng sâu, chỉ ra hàm lượng kim loại có giá trị làm tiền đề tìm kiếm phát hiện thêm phục vụ phát triển kinh tế quốc dân, (3) xác định tính liên quan của magma trong quá trình hình thành vỏ Fe-Mn và bùn sét- giàu - đất hiếm, là hai trong 4 loại hình khoáng sản đại dương.

Nguồn:từ trang web:vista.gov.vn.của cục thông tin KH&CN quốc gia