Trên thế giới hiện nay, có rất nhiều nước (phần lớn là các nước đang phát triển) sử dụng quỹ phổ cập dịch vụ viễn thông (USF) như là một phương thức/công cụ chính để cung cấp dịch vụ viễn thông cho người dân ở vùng sâu, vùng xa. Việc vận hành/sử dụng, mô hình quản lý, nguồn thu của các USF này hoàn toàn khác nhau giữa các nước. Mỗi nước dựa trên các điều kiện riêng biệt về kinh tế, xã hội và văn hoá của riêng mình để xây dựng, vận hành USF. Mỗi một mô hình, cách thức vận hành USF đều mang lại những thành công đáng kể, góp phần vào việc thúc đẩy sử dụng, ứng dụng CNTT và thu hẹp khoảng cách số. Tuy nhiên, một số mô hình cũng bộc lộ hạn chế nhất định, ví dụ như tỷ lệ thu lớn nhưng tốc độ giải ngân chậm, cơ chế quản lý chồng chéo... Việt Nam đã phát triển VTCI từ rất lâu, thông qua cơ chế trợ cấp chéo cho VNPT. Tuy nhiên, Chương trình viễn thông công ích (VTCI) mới chỉ được tập trung ưu tiên phát triển từ năm 2005, từ khi Việt Nam gia nhập WTO. Ngoài những đóng góp to lớn của VTF cho việc phát triển dịch vụ viễn thông tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, và đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp viễn thông, thì việc nghiên cứu áp dụng các cách thức quản lý USF tiên tiến trên thế giới để áp dụng cho VTF tại Viêt Nam, nâng cao hiệu quả hoạt động hơn nữa cho VTF là rất cần thiết. Đặc biệt là trong bối cảnh phát triển bùng nổ các dịch vụ CNTT, internet vạn vật, smart city, và cuộc cách mạng công nhiệp 4.0 như hiện nay thì việc nâng cao hiệu quả hoạt động hơn nữa của VTF là rất quan trọng.

Nhằm hệ thống hóa một số vấn đề lý luận các khái niệm cơ bản về Truy nhập phổ cập (UA), Dịch vụ phổ cập (US), Quỹ phổ cập viễn thông (USF). Khái quát hoạt động và thực trạng tổ chức của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam và các hoạt động viễn thông công ích ở Việt Nam. Tổng hợp mô hình USF ở một số quốc gia trên thế giới. Tổng hợp những bài học kinh nghiệm về thành công và những thách thức trong quản lý các USF. Từ đó đưa ra các khuyến nghị để đẩy mạnh phát triển hoạt động của dịch vụ viễn thông công ích ở Việt Nam nói chung, góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam nói riêng, nhóm nghiên cứu do ThS. Tạ Thị Hà Trang, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam làm chủ nhiệm đã tiến hành thực hiện đề tài: “Nghiên cứu kinh nghiệm của các Quỹ phổ cập viễn thông (USF) trên thế giới và khuyến nghị vận dụng ở Việt Nam”.

Trong khuôn khổ đề cương nhiệm vụ khoa học công nghệ được giao, dựa trên các tài liệu Quốc tế về các USF của ITU, Đề tài đưa ra một số kết luận như sau;

1. Đề tài đã xây dựng hệ thống khung phân tích gồm 08 nhân tố: Thời gian thành lập; Khung pháp lý; Cơ cấu tổ chức; Mức đóng góp và tần suất thu; Các dịch vụ được cung cấp; Quy trình phân bổ và giải ngân; Phương thức quản trị; Tình hình hoạt động.  Khung phân tích là cơ sở để so sánh giữa các Quốc gia để từ đó tổng hợp các bài học về sự thành công và thất bại của các USF.

2. Trên cơ sở các kết quả khung phân tích các USF tại nhiều Quốc gia, nhóm đề tài đã tổng hợp các kinh nghiệm và đưa ra các khuyến nghị đối với việc phát triển USF tại Việt Nam

3. Nghiên cứu Kinh nghiệm và khuyến nghị về đảm bảo độ minh bạch, khả năng hiển thị và trách nhiệm giải trình trong báo cáo của USF.

4. Đề tài đưa ra một số khuyến nghị cụ thể đối với hoạt động viễn thông công ích nói chung và Quỹ dịch vụ viễn thông công ích nói riêng; khuyến nghị cụ thể đối với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan hữu quan.

Trong quá trình nghiên cứu Đề tài, nhóm nghiên cứu đã áp dụng các phương pháp phân tích định tính (phân tích nội dung tài liệu) để phân tích. Bên cạnh đó, tác giả sử dụng các phương pháp tiếp cận hệ thống, phương pháp phân tích tổng hợp, thu thập và so sánh số liệu để đưa ra các luận giải về vấn đề nghiên cứu.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15530/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Nguồn: P.T.T (NASATI)