Mặt đường bền vững là mặt đường đạt được mục tiêu kỹ thuật cụ thể trên quy mô rộng: (1) đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người, (2) sử dụng nguồn lực hiệu quả, (3) bảo tồn/phục hồi các hệ sinh thái xung quanh. Trên thế giới hiện nay, mặt đường bền vững thường được xem xét theo các yếu tố chính gồm: Các yếu tố bền vững thích hợp được xem xét trong vòng đời của một mặt đường (từ khai thác vật liệu đến cuối vòng đời của dự án); Các vật liệu khác nhau được sử dụng trong kết cấu mặt đường ảnh hưởng đến sự bền vững tổng thể của hệ thống mặt đường; Thiết kế và xây dựng mặt đường có hiệu quả để đáp ứng nhu cầu bền vững của một dự án nhất định; Lựa chọn loại hình mặt đường bền vững, vị trí áp dụng; Các phương pháp đánh giá tính bền vững của hệ thống mặt đường; Chiến lược thực hiện mặt đường bền vững…
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến các công nghệ xây dựng mặt đường bền vững tuy nhiên công nghệ xây dựng mặt đường bền vững chưa mang tính hệ thống, chưa có nhiều nghiên cứu và các công nghệ áp dụng. Vì vậy để có những nghiên cứu, đề xuất mặt đường bền vững tại Việt Nam phù hợp với định hướng phát triển bền vững đã được phê duyệt và theo xu hướng phát triển trên thế giới và các điều kiện thực tế tại Việt Nam hiện nay, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học và Công nghệ GTVT do TS. Bùi Ngọc Hưng đứng đầu đã đề xuất thực hiện đề tài: “Nghiên cứu lựa chọn công nghệ, tiêu chí đánh giá và đề xuất áp dụng mặt đường bền vững (Sustainable Pavement) trong xây dựng đường bộ tại Việt Nam”.
Sau một thời gian triển khai (từ tháng 03/2019 đến tháng 07/2020), kết quả nghiên cứu của đề tài đã đạt được so với mục tiêu đề ra như sau:
- Đã đề xuất lựa chọn công nghệ, tiêu chí đánh giá và lộ trình áp dụng mặt đường bền vững trong xây dựng đường bộ tại Việt Nam. Đây sẽ là cơ sở để có thể tham khảo áp dụng mặt đường bền vững tại nước ta, phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới và chủ trương của nhà nước nhằm bảo vệ môi trường, hiệu quả kinh tế và mang tính xã hội cao.
- Đã nghiên cứu, phân tích, đánh giá mặt đường bền vững phù hợp với điều kiện Việt Nam, bao gồm: Sự cần thiết phải đánh giá mặt đường bền vững; Các yếu tố bền vững thích hợp trong vòng đời mặt đường; Tính bền vững của mặt đường trong cả hệ thống; Các giải pháp nhằm tăng cường tính bền vững của mặt đường phù hợp với điều kiện Việt Nam
- Khảo sát, thu thập số liệu và đánh giá những đóng góp của một số công nghệ mới trong việc tăng cường tính bền vững của mặt đường tại Việt Nam: Công nghệ tái chế nguội mặt đường; Công nghệ tái chế nóng mặt đường; Công nghệ mặt đường bê tông nhựa ấm.
- Đề xuất lựa chọn công nghệ, tiêu chí, phương pháp đánh giá và lộ trình áp dụng mặt đường bền vững trong xây dựng đường bộ tại Việt Nam:
+ Các công nghệ và giải pháp: vật liệu sử dụng trong kết cấu mặt đường; thiết kế mặt đường; xây dựng mặt đường; giai đoạn sử dụng mặt đường; bảo trì mặt đường; kết thúc vòng đời mặt đường.
+ Phương pháp và tiêu chí đánh giá mặt đường bền vững tại Việt Nam: Trong điều kiện Việt Nam, lựa chọn phương pháp LCCA để đánh giá tính bền vững mặt đường dựa trên các kết quả nghiên cứu và áp dụng của Mỹ có điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện Việt Nam; Tiêu chí đánh giá theo LCCA. Sử dụng phần mềm RealCost của Cục đường bộ liên bang Mỹ được chấp nhận rộng rãi để phân tích LCCA cho mặt đường. RealCost là phần mềm miễn phí, chạy trên nền Excel trực quan
- Đề xuất lộ trình áp dụng mặt đường bền vững tại Việt Nam:
+ Giai đoạn 2020-2022: Triển khai các nghiên cứu về mặt đường bền vững trên thế giới và Việt Nam; Nghiên cứu chuyên sâu để áp dụng mặt đường bền vững tại Việt Nam; Nghiên cứu đề xuất các tiêu chuẩn kỹ thuật về mặt đường bền vững phù hợp điều kiện Việt Nam; Nghiên cứu đề xuất các văn bản QPPL qui định về mặt đường bền vững tại Việt Nam
+ Giai đoạn 2023-2025: Áp dụng thử nghiệm mặt đường bền vững trên qui mô nhỏ; tiến tới đánh giá, tổng kết để ban hành các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật; Hoàn thiện và ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật và các văn bản QPPL qui định về mặt đường bền vững tại Việt Nam; Hoàn thiện các phương pháp đánh giá và tiêu chí lựa chọn mặt đường bền vững, bao gồm: phương pháp LCCA, phương pháp LCA, Hệ thống xếp hạng bền vững; Áp dụng rộng rãi các công nghệ mặt đường bền vững nhằm tăng lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường tại Việt Nam; Đánh giá tổng kết, bài học kinh nghiệm và điều chỉnh các công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật, văn bản QPPL cho phù hợp.
Là quốc gia đang phát triển, để đáp ứng nhu cầu hội nhập, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục quan tâm hơn nữa việc nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp công nghệ mặt đường bền vững để có thể phát triển được các hệ thống giao thông hiện đại, phù hợp với định hướng phát triển bền vững đã được phê duyệt và theo xu hướng phát triển trên thế giới.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18077/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.