Trong cuộc CMCN này, cũng như các cuộc CMCN trước, mức độ tương thích giữa giáo dục đại học (đào tạo năng lực chuyên môn và kỹ năng cho nguồn nhân lực) và doanh nghiệp (ứng dụng công nghệ và kỹ thuật) luôn là yếu tố quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Trong trường hợp giáo dục thiếu cập nhật, không đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, các quốc gia sẽ có “nỗi đau xã hội” (social pain). Sự thịnh vượng (prosperity) chỉ đạt được khi giáo dục đại học đi trước, không những đáp ứng mà còn dẫn dắt sự phát triển sản xuất. Thực tế hơn 1000 năm phát triển của đại học thế giới, mặc dù đã trải qua trải qua ba thế hệ (Wissema, 2009), nhưng nhìn chung đại học bao giờ cũng phát triển theo sau các cuộc CMCN.

 

Tại thời điểm này cũng vậy, tùy theo trình độ phát triển của mỗi nước, khoảng cách của sự thích ứng này có thể khác nhau, nhưng tất cả các nền giáo dục đại học đều đang được CMCN 4.0 dẫn dắt và đều đang trong chu kỳ của “nỗi đau xã hội” mới. Nỗi đau này kéo dài thời gian bao lâu tùy thuộc vào mức độ đáp ứng của giáo dục đại học. Thách thức này lớn lao gấp bội vì khác với các cuộc CMCN trước, sự đột phá của các công nghệ mới nổi trong cuộc CMCN 4.0 đang làm thay đổi phương cách sản xuất, phương cách sống, làm việc và giao tiếp. Điều đó không cho phép đổi mới giáo dục đại học theo các tiếp cận và kinh nghiệm truyền thống mà yêu cầu tái thiết kế hệ thống giáo dục theo tiếp cận mới vừa đảm bảo năng lực đáp ứng thị trường lao động bất định, vừa tăng cường khả năng gia tăng giá trị của các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH).

Hiện nay, hệ thống giáo dục đại học của ta cũng mới thuộc nhóm 70 thế giới với chỉ 4 CSGDĐH được xếp hạng vào nhóm 1000 thế giới. Công cuộc chuyển đổi số đã được khởi động nhưng triển khai áp dụng trong các CSGDĐH vẫn đang rất tự phát. Do vậy, rất cần thiết triển khai nghiên cứu một cách đầy đủ và hệ thống các đặc trưng và mô hình đại học đáp ứng cuộc CMCN 4.0 (gọi tắt là “đại học 4.0”) về cả mục tiêu, động lực phát triển; phương thức, điều kiện tổ chức thực hiện và công cụ quản trị, đo lường, đối sánh.

Để góp phần giải quyết các yêu cầu trên, Cơ quan chủ trì Trường Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài GS.TS. Nguyễn Hữu Đức thực hiện Nghiên cứu mô hình trường đại học đáp ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (“đại học 4.0”) với mục tiêu: Xác định được các đặc trưng cơ bản của mô hình trường đại học đáp ứng với cuộc CMCN 4.0 (“Đại học 4.0”); Xây dựng được bộ tiêu chuẩn mô hình “Đại học 4.0” theo tiếp cận đảm bảo chất lượng giáo dục; Xây dựng được bộ chỉ số đối sánh và công cụ đánh giá theo tiếp cận kiểm định chất lượng giáo dục cho mô hình “Đại học 4.0”; Thí điểm đánh giá mô hình “Đại học 4.0” tại 1-2 cơ sở giáo dục đại học và đề xuất giải pháp phát triển mô hình “Đại học 4.0” tại Việt Nam.

Nếu như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây chỉ phát triển nhờ một phát minh công nghệ và một sự tích hợp đơn giản, thì CMCN 4.0 bùng nổ nhờ sự tích hợp rất nhiều công nghệ đột phá với công nghệ số. Những cuộc cách mạng trước đây đánh dấu sự dịch chuyển từ sức mạnh cơ bắp sang sức mạnh cơ khí và tiến triển đến ngày nay, còn CMCN 4.0 tăng cường năng lực nhận thức và đang gia tăng năng suất lao động của con người.

CMCN 4.0 là làn sóng công nghiệp tích hợp các hệ thống thực ảo (cyber physical system - CPS), Internet hệ thống (IoS) và internet của vạn vật (IoT); là sự tiếp tục dựa trên nền tảng kỹ thuật số của CMCN 3.0 và hội tụ các lĩnh vực thực (vật lý), ảo (số) và sinh học. Các nguyên tắc cơ bản của nó bao gồm Trí tuệ nhân tạo, Điện toán đám mây, IoT và Phân tích Dữ liệu lớn.

Công nghệ số với cốt lõi là phần cứng, phần mềm, và mạng máy tính không phải là gì mới mẻ, nhưng điểm đột phá so với CMCN 3.0 nằm ở chỗ chúng có độ phức tạp và tích hợp ngày càng cao, được triển khai “toàn lực” thông qua tự động hóa và việc chế tạo những sản phẩm “chưa từng có”, do đó thay đổi cả xã hội và nền kinh tế toàn cầu. CMCN 4.0 không chỉ có các máy móc và hệ thống thông minh kết nối với nhau mà có phạm vi rộng hơn nhiều. Những làn sóng đột phá đang xuất hiện đồng thời ở nhiều lĩnh vực, từ giải mã trình tự gen đến công nghệ nano, từ năng lượng tái tạo đến điện toán lượng tử.

Sau thời gian nghiên cứu, nhóm tác giả rút ra những kết luận như sau: CMCN 4.0 đang xảy ra trong giai đoạn giáo dục đại học thế giới đang chuyển sang thế hệ ba, trong đó đồng thời với chức năng đào tạo và nghiên cứu khoa học, chức năng thứ ba về đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức được đặc biệt tập trung ưu tiên.

Mô hình đại học 4.0 đã được khái quát là mô hình đại học thế hệ ba, đáp ứng yêu cầu và được sự hỗ trợ của CMCN 4.0. Đó là mô hình đại học thông minh định hướng đổi mới sáng tạo. Trong đó, thành tố ĐMST (và khởi nghiệp sáng tạo) là triết lý, mục tiêu và phương thức tạo ra giá trị gia tăng; còn thành tố thông minh là phương thức và điều kiện tổ chức thực hiện dựa vào các tiến bộ của công nghệ 4.0.

Đây là định hướng phát triển phù hợp với thách thức của thời đại và cần thiết để định hướng năng lực của công dân Việt Nam trong thời đại 4.0, đồng thời thay đổi nền giáo dục từ chương, lý thuyết sang đào tạo gắn với năng lực thực tiễn và khả năng thích ứng, tự chủ và trách nhiệm cao.