Pangea là siêu lục địa tồn tại trên Trái đất 250 triệu năm trước. Trải qua hàng triệu năm, siêu lục địa này đã vỡ thành nhiều mảnh khác nhau, trở thành những vùng đất mà chúng ta thấy trên địa cầu ngày nay. Các lực mở rộng trên các mảng kiến tạo (tectonic plates) khiến các lục địa bị tách ra - cũng như Pangea đã từng làm - tạo ra các lưu vực đại dương mới. Phần rộng lớn của các lục địa mở rộng này không nhìn thấy được vì chúng nằm sâu dưới nước và được đặt tên là các rìa rạn nứt.

 

Các rìa lục địa là nơi tích tụ rộng lớn các loại đá trầm tích, đá lửa và siêu mafic phân bố trên toàn cầu, có vị trí địa lý tiếp giáp với các quần thể ven biển lớn. Vài thập kỷ trước, các rìa lục địa như vậy được chia thành các khu vực giàu magma và nghèo magma. Sự phân loại này tuân theo lịch sử hình thành của đáy đại dương mới-nhưng dường như không gồm đầy đủ cách hình thành rìa rạn nứt.

Nhà khoa học nữ Marta Pérez-Gussinyé, Trung tâm Khoa học Môi trường Biển, Đại học Bremen (MARUM) giải thích: “Những rìa rạn nứt này nằm dọc biển ở cả hai bên đại dương, chứa lượng trầm tích khổng lồ, trữ lượng hydrocarbon lớn và là các nguồn tài nguyên mới cần thiết cho nền kinh tế trung hòa carbon mới”.

Pérez-Gussinyé, tác giả đầu tiên của nghiên cứu cho biết: "Nguồn gốc của các rìa rạn nứt có nhiều mặt, nghĩa là chúng được hình thành theo nhiều cách khác nhau. Không giống như các phương pháp nghiên cứu trước đây, phần tổng quan này cho chúng ta cơ hội phân tích các rìa rạn nứt một cách tổng thể". Nhóm nghiên cứu của cô đã tiên phong trong việc phát triển các công cụ số để nghiên cứu các rìa rạn nứt. Những công cụ này cho phép kết hợp dữ liệu và mô hình để hiểu rõ hơn các quy trình hình thành nên các rìa này. Các tác giả đã tổng hợp các quan sát và kết quả lý thuyết mới nhất, dẫn đến sự hiểu biết mới dựa trên quy trình về sự hình thành rìa. "Đây sẽ là chìa khóa để đưa ra dự đoán chính xác trong tương lai về các yêu cầu năng lượng và lưu trữ mới cần thiết để chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon", Pérez-Gussinye nhấn mạnh.

Cùng với các đồng tác giả của mình, cô kết luận rằng các rìa rạn nứt có thể đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh trong tương lai: các điểm lưu trữ carbon dioxide tiềm năng, các mỏ khoáng sản hoặc thậm chí là các nguồn năng lượng địa nhiệt và hydro tự nhiên. Tuy nhiên, dữ liệu địa vật lý và địa chất bổ sung sẽ cần được tích hợp sâu hơn vào nghiên cứu.

Một số mô hình số được trình bày tại MARUM. Chúng sẽ giúp hiểu rõ hơn về sự hình thành của rìa lục địa và vỏ đại dương cũng như vai trò của chúng trong chu trình carbon toàn cầu.

Công trình nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí Nature Reviews Earth & Environment.