Những người bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ động mạch (AIS) hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) có nguy cơ bị đột quỵ thứ hai hoặc các biến cố tim mạch nặng (MACE), điều quan trọng là xác định các yếu tố nguy cơ và phương pháp điều trị để ngăn chặn những lần xuất hiện tiếp theo này.
Một nghiên cứu mới do Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Boston (BUSPH), Viện Nghiên cứu Chăm sóc và Sức khỏe Quốc gia (NIHR), Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Bristol (Bristol BRC) và Hệ thống Y tế Cựu chiến binh Boston (VA Boston) dẫn đầu, đã xác định được các yếu tố nguy cơ di truyền và phân tử mới có thể tiết lộ những con đường mới để điều trị bệnh nhân sau khi họ trải qua cơn đột quỵ đầu tiên.
Được xuất bản trên tạp chí Stroke, nghiên cứu đã xác định CCL27 và TNFRSF14, hai loại protein có liên quan đến các biến cố tim mạch nặng tiếp theo, nhưng không liên quan đến đột quỵ ban đầu. Những protein này được biết là có tác dụng kích hoạt tình trạng viêm, đóng vai trò chính trong sự phát triển của đột quỵ và nhiều bệnh mãn tính.
Các phát hiện này cho thấy tình trạng viêm là một yếu tố góp phần gây ra kết quả của các biến cố tim mạch ở những người sau khi họ bị đột quỵ lần đầu.
Đồng tác giả nghiên cứu Nimish Adhikari cho biết: “Trong khi các nghiên cứu trước đây đã tìm thấy mối liên quan giữa tình trạng viêm và sự cố đột quỵ do thiếu máu cục bộ động mạch hoặc biến cố tim mạch, còn nghiên cứu của chúng tôi phát hiện ra các protein nguyên nhân này cũng có thể có vai trò trong các biến cố tim mạch tiếp theo, có thể đưa ra mục tiêu thuốc mới tiềm năng”.
Bằng cách sử dụng thông tin di truyền và dữ liệu lịch sử y tế từ hai ngân hàng sinh học lớn, Chương trình VA's Million Veteran và Ngân hàng sinh học Vương quốc Anh, nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu tương quan toàn bộ nhiễm sắc thể (GWAS) để tìm ra mối liên hệ giữa ADN và đột quỵ do thiếu máu cục bộ động mạch; các biến cố tim mạch nặng.
Các nhà khoa học cho biết, nghiên cứu tương quan toàn bộ nhiễm sắc thể thường được thực hiện để xác định xem các cá nhân có gặp sự kiện y tế lần đầu tiên hay không, nhưng việc áp dụng phương pháp này cho các biến cố tim mạch nặng tiếp theo có thể mang lại những hiểu biết mới về tiến triển của đột quỵ, thông tin có giá trị để xác định thuốc điều trị.
Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra 93.422 người bị đột quỵ, trong đó 51.929 người có những biến cố tim mạch nặng sau đó và 45.120 người bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ động mạch sau đó. Trong các phân tích cụ thể về quần thể, họ đã quan sát thấy hai biến thể di truyền quan trọng: rs76472767, gần gen RNF220 trên nhiễm sắc thể 1 ở nghiên cứu tương quan toàn bộ nhiễm sắc thể ở châu Phi cho các biến cố tim mạch nặng sau đó và rs13294166, gần gen LINC01492 trên nhiễm sắc thể 9 trong cùng tổ tiên ở nghiên cứu tương quan toàn bộ nhiễm sắc thể về đột quỵ do thiếu máu cục bộ động mạch sau đó.
Đồng tác giả nghiên cứu Andrew Elmore cho biết: “Chúng tôi đã sử dụng dữ liệu đó để tìm xem liệu có một số phân tử nhất định có liên quan đến sự cố hoặc các trạng thái tiếp theo hay không. Từ đó, có thể xác định được mối liên hệ giữa một số phân tử nhất định đóng vai trò gây ra tình trạng viêm; các kết quả đột quỵ và những biến cố tim mạch nặng”.
Mặc dù tỷ lệ đột quỵ đã giảm trên toàn thế giới trong ba thập kỷ qua nhưng đây vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai; gây tàn tật đứng thứ ba trên toàn cầu và vẫn là một vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng.
Đột quỵ cũng tiếp tục ảnh hưởng không cân đối đến dân số giữa các chủng tộc, dân tộc, kinh tế xã hội và địa lý, làm tăng thêm sự bất bình đẳng về sức khỏe ở cả các quốc gia có thu nhập cao và thấp. Xác định các mục tiêu thuốc mới cho các can thiệp điều trị mới nhằm ngăn chặn sự tiến triển của đột quỵ có thể cứu hàng triệu người khỏi tình trạng khuyết tật và tử vong liên quan đến đột quỵ.
Nguồn:từ trang web:vista.gov.vn.của cục thông tin KH&CN quốc gia