Tăng đường huyết mạn tính là một yếu tố chính trong sự khởi phát và tiến triển của biến chứng tiểu đường. Một số cơ chế liên kết tăng đường huyết với các biến chứng tiểu đường bao gồm sự hình thành các sản phẩm cuối cùng glycation (AGEs), kích hoạt polyol, và tăng các loại oxy hoạt động (ROS). Quá trình sản xuất ROS dẫn đến tổn thương oxy hoá và thay đổi cấu trúc / chức năng đối với DNA, protein, và lipid.

Tế bào hồng cầu ở người rất quan trọng đối với việc vận chuyển oxy và loại bỏ carbon dioxide. Tương tự như vậy, chúng rất dễ bị tổn thương đến quá trình oxy hóa protein và lipid có thể làm thay đổi cấu trúc màng và chức năng. Các nghiên cứu cho thấy hợp chất phytochemical có thể ngăn ngừa tổn thương màng hồng cầu gây ra bởi glucose cao do hoạt động chống oxy hoá. Axit ferulic (acid 4-hydroxy-3-methoxycinnamic) là một chất dẫn xuất axit cinnamic, các nghiên cứu trước đây cho thấy axit ferulic hoạt động như một chất thải gốc tự do như các gốc hydroxyl và peroxyl và chất ức chế lipid peroxidation. Một số nghiên cứu cho thấy hiệu quả chống tăng đường huyết của axit ferulic xảy ra bởi nhiều cơ chế. Một trong những cơ chế này bao gồm ức chế α-glucosidase và kích thích tiết insulin. Đáng chú ý nhất, axit ferulic đóng vai trò như một chất ức chế mạnh glucose-, fructose-, và ribose gây ra glycation protein.

Ở Nhật người ta đã phân tích đánh giá được hơn 20 polyphenol trong đó hàm lượng acid fuvic trong lá riềng ấm lên men rất cao, đạt 450mg/100g và đã sản xuất ra một số sản phẩm chức năng nhằm giảm glucose máu; các sản phẩm để phòng các bệnh mãn tính không lây và tăng cường sức đề kháng, cải thiện các bệnh nhiễm trùng, bổ sung các dưỡng chất... Với đặc tính chứa nhiều thành phần các chất có hoạt tính sinh học có giá trị, cây riềng ấm được xem là một loại cây quý ở Nhật Bản. Tuy nhiên với yêu cầu điều kiện sinh thái của cây riềng ấm thì ở Nhật Bản chỉ có đảo Okinawa là thích hợp cho cây riềng ấm phát triển. Okinawa nằm trên vĩ độ 36°00 'độ Bắc, khí hậu Okinawa là cận nhiệt đới, với nhiệt độ hiếm khi rơi xuống dưới 15°C vào mùa đông. Nhiệt độ không thực sự thay đổi quanh năm vì các mùa không có tác động nhiều như ở những phần còn lại của Nhật Bản. Qua các lần điều tra khảo sát của chuyên gia Makise đến Việt Nam thì chuyên gia Nhật thấy Việt nam có điều kiện tự nhiên rất thích hợp với yêu cầu sinh thái của cây riềng ấm, do đó việc phát triển cây riềng ấm để làm nguyên liệu phục vụ chế biến thành các sản phẩm chức năng là rất khả quan.

Hiện nay chưa có nghiên cứu nào về các 2 hoạt chất có từ lá cây riềng ấm. Trong khí đó ở Nhật người ta đã tách chiết được rất nhiều polyphenol từ lá riềng ấm và đã chứng minh được tác dụng của nó, trên cơ sở đó họ đã sản xuất ra bột để làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm chức năng để hỗ trợ trong điều trị. Chính vì vậy nhóm nghiên cứu tại Viện nghiên cứu và phát triển vùng - Bộ Khoa học và Công nghệ do TS. Phạm Thị Mỹ Phương đứng đầu đã thực hiện đề tài Nghiên cứu phát triển cây riềng ấm (Alpinia zerumbet. Pers) để sản xuất nguyên liệu làm thực phẩm chức năng” nhằm phát triển cây riềng ấm (Alpinia zerumbet. Pers) trong điều kiện sinh thái Việt Nam để làm nguyên liệu sản xuất thực phẩm chức năng. Cụ thể: Xác định được vùng trồng thích hợp cho cây riềng ấm (Alpinia zerumbet. Pers) được nhập nội từ Nhật Bản; Xây dựng được quy trình nhân giống, trồng, thu hái và chế biến bột riềng ấm; Xây dựng được mô hình trồng riềng ấm với quy mô 1ha; Xác định được độc tính và hoạt tính hạ glucose máu trên thực nghiệm; và Xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở của dược liệu lá và bột riềng ấm.

Sau một thời gian thực hiện, nhóm đề tài đưa ra những kết luận như sau:

1. Cây Riềng ấm di thực vào Việt Nam hoàn toàn phù hợp với điều kiện sinh thái của Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy cây Riềng ấm phát triển được ở cả 3 vùng: Bắc Sơn- Lạng Sơn và Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc và Thạch Thành - Thanh Hóa. Tỷ lệ cây sống cao đạt từ 80-94%, sau 3 tháng trồng cây cho số nhánh trung bình đạt 4-5 nhánh/cây, cao cây trung bình 33-40 cm. Kết quả phân tích cho thấy hàm lượng các hoạt chất trong lá Riềng ấm trồng tại Việt Nam thậm chí còn cao hơn hàm lượng hoạt chất trong lá Riềng ấm trồng tại Nhật Bản, cụ thể trong bột lá Riềng ấm lên men hàm lượng polyphenol tổng số đạt 435,1 - 492,3mg/100g, axit ferulic đạt 307,7 -323,3 mg/100g.

2. Về nhân giống: cây Riềng ấm có thể nhân giống bằng 2 phương pháp đó là nhân giống bằng hạt và nhân giống bằng cách tách khóm.

Nhân giống bằng hạt: Nhóm nghiên cứu đã nhân giống Riềng ấm bằng hạt với tỷ lệ nảy mầm đạt 93% bằng cách ngâm hạt giống trong dung dịch GA3 với nồng độ 10 ppm, ở 40oC trong thời gian 8 tiếng, duy trì nhiệt độ trong tủ ấm, sau đó vớt ra để ráo nước và ủ trong vòng 22-27 ngày.

Nhân giống bằng tách khóm: Nhóm nghiên cứu đã nhân giống Riềng ấm bằng tách khóm cho tỷ lệ nảy chồi trên 1 khóm là 2-3 chồi, cây phát triển tốt.

3. Đã xây dựng được Quy trình trồng, chăm sóc, thu hái lá của cây riềng ấm.

4. Bước đầu nghiên cứu thành công Quy trình sản xuất bột lá Riềng ấm bằng công nghệ lên men để tăng hàm lượng polyphenol có trong lá Riềng ấm.

5. Xác định được liều dung nạp tối đa (luôn nhỏ hơn liều chết 50%) của bột Riềng ấm.

6. Xây dựng được vườn giống gốc cây Riềng ấm ở Vĩnh Phúc với quy mô 600m2 , cây phát triển tốt, cho sản lượng hạt ước tính 80kg /600m2. Vườn sản xuất cây Riềng ấm ở Lạng Sơn với quy mô 1ha, cây phát triển tốt, năng suất thu hoạch năm thứ hai đạt 7 tấn lá/ha.

7. Đã xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở cho lá Riềng ấm và bột lá Riềng ấm

Với kết quả thu được, các sản phẩm của đề tài có giá trị thực tiễn, vì vậy nhóm nghiên cứu đề xuất với cơ quan quản lý cấp kinh phí để thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm.

Nguồn từ trang web:vista.gov.vn.của cục thông tin KH&CN.quốc gia