Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ ảnh số trong thu thập dữ liệu thông tin địa lý và thành lập bản đồ địa hình đã trở lên phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam. Được đánh giá có khả năng ứng dụng lớn, tuy nhiên, công nghệ ảnh số thường phải kết hợp với việc đo vẽ trực tiếp trong quy trình thu thập dữ liệu thông tin địa lý và thành lập bản đồ địa hình do những hạn chế chưa thể khắc phục được trong thực tế như: thiếu dữ liệu địa hình và địa vật tại những khu vực có độ che phủ cao, hạn chế trong thu thập dữ liệu chiều đứng của địa vật... Do đó, để hoàn thiện quy trình ứng dụng công nghệ ảnh số trong thu thập dữ liệu thông tin địa lý và thành lập bản đồ địa hình, cần có những nghiên cứu để khắc phục những nhược điểm trên.
Đó là lý do Kỹ sư Đặng Xuân Thủy đã phối hợp với các cộng sự tại Viện khoa học Đo đạc và bản đồ để thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống quét địa hình mặt đất dựa trên công nghệ ảnh số phục vụ thu thập dữ liệu thông tin địa lý và thành lập bản đồ địa hình độ chính xác cao” từ năm 2017 đến năm 2020.
Mục tiêu của đề tài là thiết kế, chế tạo hệ thống quét địa hình mặt đất dựa trên công nghệ ảnh số phục vụ thu thập dữ liệu thông tin địa lý và thành lập bản đồ địa hình độ chính xác cao.
Các tác giả đã nghiên cứu tổng quan về công nghệ chụp ảnh mặt đất và mức độ ứng dụng của công nghệ này trong thành lập bản đồ địa hình. Qua việc tìm hiểu cấu tạo một số hệ thống tương tự trên thế giới như hệ thống WONAV CT, Earthmine, CycloMedia và nghiên cứu lý thuyết, nhóm nghiên cứu đã tích hợp thành công hệ thống chụp ảnh mặt đất có khả năng thu thập dữ liệu thông tin địa lý và thành lập bản đồ địa hình.
Nhóm nghiên cứu đã xây dựng được 2 modul phần mềm:
- Một là modul kết nối thiết bị với giao diện khoa học đầy đủ các chức năng thiết lập kết nối giữa các thiết bị bao gồm: camera, IMU, GNSS, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.
- Hai là phần mềm truy suất dữ liệu với các chức năng cài đặt, hiệu chỉnh các thông số cho hệ thống thiết bị chụp ảnh mặt đất, tính toán và lưu trữ các thông số hiệu chỉnh, tọa độ tâm ảnh và các góc xoay, truy suất các dữ liệu phục vụ các công việc cần thiết.
Đề tài đã đề xuất được quy trình hỗ trợ công tác thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ lớn (1:500, 1:1000, 1:2000, 1:5000) sử dụng thiết bị quét địa hình mặt đất của đề tài.
Hệ thống thiết bị của đề tài có thể kết hợp với công nghệ bay chụp UAV thành lập các loại bản đồ địa hình đến tỷ lệ 1:2000 hoặc có thể lớn hơn. Ngoài ra còn có thể tăng cường thêm cho các sản phẩm bản đồ nền địa lý một cách trực quan và chi tiết hơn. Sản phẩm của đề tài sẽ làm tăng thêm hiệu quả cho công tác đo đạc thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ lớn khu vực bị che khuất, khu vực ảnh máy bay không người lái và ảnh hàng không không thể chụp được.
Đề tài góp phần thay đổi phương thức đo đạc truyền thống như: sử dụng máy toàn đạc điện tử, công nghệ định vị GNSS-RTK và các loại máy quét laser mặt đất, tiến tới tự động hóa hoàn toàn công tác thành lập bản đồ địa hình độ chính xác cao.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18159/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.