Máy kéo nông nghiệp 4 bánh có công suất đến 50HP tuy đã được nghiên cứu và chế tạo ở nước ngoài nhưng ở Việt Nam thì hầu như chưa được nghiên cứu, thiết kế hoàn chỉnh, nhất là thiết kế máy kéo này hoạt động và thích nghi được trong điều kiện đồng đất, thổ nhưỡng, khí hậu và vận hành ở các vùng miền của Việt Nam như đặc tính đất đai, yêu cầu cây trồng vật nuôi, yếu tố vùng miền, trình độ người sử dụng, khả năng đầu tư... Các bài toán về thiết kế máy kéo 4 bánh có công suất 50HP chưa được nghiên cứu giải quyết triệt để để đảm bảo các tính năng cơ bản của máy kéo 4 bánh nói chung. Tuy nhiên, để có thể chế tạo được những loại máy kéo 4 bánh đạt các yêu cầu về hoạt động phù hợp cho các điều kiện vùng miền của Việt Nam như đặc tính đất đai, yêu cầu cây trồng vật nuôi, yếu tố vùng miền, trình độ người sử dụng, khả năng đầu tư lại là một công việc phức tạp và cần được nghiên cứu một cách bài bản, khoa học và thích hợp.

 

Do vậy, việc thiết kế máy kéo 4 bánh có công suất đến 50HP trên cơ sở chuyển giao công nghệ của nước ngoài (Hàn Quốc) sẽ là một hướng đi đúng đắn, tận dụng được kinh nghiệm của nước ngoài nhưng nghiên cứu thiết kế trong điều kiện hoạt động ở Việt Nam. Mặt khác, làm chủ thiết kế máy kéo 4 bánh trên cơ sở chuyển giao công nghệ của nước ngoài có thiết kế các linh kiện nội địa hóa đến 40% trong điều kiện công nghệ chế tạo ở Việt Nam và khả năng xuất khẩu sang các nước khu vực ASEAN cũng là một vấn đề quan trọng để có thể phát triển bền vững, lâu dài và đi theo xu hướng thiết kế với các công cụ và kỹ thuật, công nghệ hiện đại của thế giới.

Nhằm tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ thiết kế hiện đại để thiết kế có hiệu quả máy kéo 4 bánh, đưa vào ứng dụng để chế tạo, nội địa hóa máy kéo sử dụng trong nông nghiệp ở Việt Nam. Tăng cường năng lực chuyên môn của các cán bộ nghiên cứu thiết kế, sẵn sàng đáp ứng việc thiết kế các loại máy kéo 4 bánh sử dụng ở Việt Nam và xuất khẩu ra khu vực ASEAN và triển khai ứng dụng cho các thiết kế máy nông nghiệp phục vụ cho liên hợp máy và nhu cầu cơ giới hóa nông nghiệp tại THACO và ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu thuộc Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải do PGS.TS. Phạm Xuân Mai làm chủ nhiệm đã đề xuất thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thiết kế máy kéo 4 bánh công suất đến 50HP mang thương hiệu Việt Nam” để từ đó có thể góp phần thiết thực xây dựng ngành công nghiệp máy kéo và công nghiệp phụ trợ mang tầm quốc gia và phát triển cơ giới hóa nông nghiệp ở Việt Nam.

Đề tài đã tập trung nghiên cứu giải quyết được các vấn đề sau:

1. Nghiên cứu xác định yêu cầu, điều kiện sử dụng và lựa chọn máy kéo 4 bánh phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam.

2. Nghiên cứu thiết kế sơ bộ máy kéo 4 bánh.

3. Nghiên cứu thiết kế kỹ thuật máy kéo 4 bánh.

Đề tài đã ứng dụng các phần mềm mô phỏng hiện đại như NX Unigraphics, SIMCENTER để thiết kế, tính toán mô phỏng các vấn đề sau:

- Thiết kế tổng thể, mô phỏng hình dáng, lựa chọn cấu hình và tính toán các thông số cơ bản của máy kéo 4 bánh THACO.

- Tính toán mô phỏng các tính năng và thông số kỹ thuật của các cụm chính trên máy kéo như hệ thống truyền lực, hệ thống phanh, lái, di động, PTO...

- Mô phỏng và tính toán lựa chọn khoang cabin phù hợp người lái Việt Nam và châu Á.

- Mô phỏng máy kéo 4 bánh hoạt động trên địa hình đồng ruộng Việt Nam.

- Đã thiết kế kỹ thuật các chi tiết linh kiện của các cụm, hệ thống chính của máy kéo.

Các sản phẩm chính của đề tài bao gồm bộ hồ sơ thiết kế, tính toán (thuyết minh và bản vẽ kỹ thuật, mô hình mô phỏng) và hồ sơ kỹ thuật các chi tiết linh kiện của các cụm chính máy kéo THACO. 02 bài báo KHCN đăng trong tạp chí KHCN Đại học Đà Nẵng. Đặc biệt trang bị phần mềm hiện đại NX Unigraphics và SIMCENTER sử dụng rất hiệu quả trong thiết kế và tính toán máy kéo nói riêng và xe cộ nói chung.

Qua việc thực hiện đề tài KHCN này, đơn vị chủ trì đề tài cũng đã đào tạo được 15 kỹ sư chuyên nghiệp trong thiết kế và tính toán máy kéo nông nghiệp. Đồng thời đem lại hiệu quả KHCN và kinh tế xã hội một cách thiết thực. Thứ nhất, về mặt KHCN, đã tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ thiết kế hiện đại để thiết kế có hiệu quả máy kéo 4 bánh, đưa vào ứng dụng để chế tạo, nội địa hóa máy kéo sử dụng trong nông nghiệp ở Việt Nam; tăng cường năng lực chuyên môn của các cán bộ nghiên cứu thiết kế, sẵn sàng đáp ứng việc thiết kế các loại máy kéo 4 bánh sử dụng ở Việt Nam và xuất khẩu ra khu vực ASEAN. Ngoài ra, kết quả của đề tài có thể ứng dụng cho các thiết kế máy nông nghiệp phục vụ cho liên hợp máy và nhu cầu cơ giới hóa nông nghiệp tại THACO và ở Việt Nam. Thứ hai, về mặt kinh tế - xã hội: Mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, tạo ra được nhiều việc làm mới, đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp cơ giới hóa nông nghiệp phát triển, phục vụ tốt cho nhu cầu sau hội nhập AFTA 2018; góp phần thúc đẩy công nghiệp cơ khí phát triển, tạo cơ sở cho việc hình thành các cụm công nghiệp hỗ trợ (Cluster) cho công nghiệp sản xuất máy kéo-máy nông nghiệp nói riêng và ngành công nghiệp cơ khí của đất nước nói chung; thúc đẩy và tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp với các cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp trong nước và hợp tác quốc tế.

Đề tài mong muốn tiếp tục được hỗ trợ triển khai kết quả nghiên cứu thiết kế vào thực tiễn sản xuất để thực hiện đề tài nội địa hóa máy kéo và dự án sản xuất thử nghiệm; nghiên cứu phát triển xe máy kéo 4 bánh THACO lắp lẫn nhiều loại cụm tổng thành từ nhiều nguồn khác nhau để chủ động trong công việc cung ứng các loại máy kéo khác nhau trong sản xuất; tiêu chuẩn hóa các linh kiện, phụ tùng của máy kéo 4 bánh để nâng cao tính lắp lẫn và chủ động cho việc cung cấp phụ tùng hậu mãi và nghiên cứu phát triển nội địa hóa máy kéo để ứng dụng cho các loại máy kéo khác của THACO.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18071/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.