Các tỉnh Nam trung Bộ, đặc biệt là tỉnh Ninh Thuận chịu ảnh hưởng của khí hậu khắc nghiệt và tỷ lệ đất canh tác bị sa hóa cao dẫn đến việc muốn tăng năng suất cây trồng cần sử dụng rất nhiều giải pháp kết hợp để tiết kiệm nước tưới và tăng năng suất cây trồng. Chính vì vậy, cần phải có những công nghệ mang tính đột phá nhằm đưa nông nghiệp thành một ngành sản xuất bền vững, thân thiện môi trường và hiệu quả cao. Điều đó cho thấy, việc phát triển ngành trồng trọt với việc ứng dụng công nghệ cao đối phó với hạn hán đang là nghiệm vụ cấp bách của tỉnh.

 

Nhằm khắc phục tình trạng đất trồng có tỷ lệ cát cao làm thất thoát nhiều phân bón do rửa trôi, khí hậu nóng và khan hiểm nguồn nước tưới trong canh tác 4 loại cây có vai trò quan trọng trong ngành nông nghiệp của tỉnh Ninh Thuận nêu trên, Viện Công nghệ môi trường đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng Bentonite và phân bón lá nano để cải tạo đất, nâng cao năng suất cây trồng và tiết kiệm nước tưới nhằm ứng phó với tình trạng khô hạn tại Ninh Thuận và một số tỉnh vùng Nam Trung bộ” trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2020. Đề tài do PGS. TS. Nguyễn Hoài Châu làm chủ nhiệm.

Mục tiêu của nghiên cứu là ứng dụng được công nghệ tiên tiến (Bentonite, phân bón lá nano) để cải tạo đất, tiết kiệm nước, tăng năng suất cho một số cây trồng chính vùng khô hạn tại tỉnh Ninh Thuận và vùng lân cận.

Sau ba năm nghiên cứu, đề tài đã thu được một số kết quả nổi bật sau:

- Một số vùng trồng cây nho, táo, măng tây và ngô ở Ninh Thuận ở trong tình trạng khô hạn, không thuận lợi cho trồng cây do có tỷ lệ thành phần của cát cao trên 95%, sức chứa ẩm đồng ruộng chỉ đạt khoảng 37%, dung tích hấp thu trong đất nằm trong khoảng 2,5 - 4,2 meq/100g.

- Khoáng bentonite khai thác từ mỏ ở xã Tam Bố, huyện Di Linh, Lâm Đồng dạng canxi (kiềm thổ), có tỷ lệ thành phần khoáng montmorillonit lớn hơn 40% với dung tích hấp thu trong đất (CEC) đạt khoảng 60 meq/100g, có hàm lượng kim loại nặng thấp, thích hợp sử dụng để cải tạo đất cát trồng cây nông nghiệp. Việc trộn bentonite với tỷ lệ 3% vào các mẫu đất cát trồng nho, táo, măng tây ở Ninh Thuận đã tăng sức chứa ẩm đồng ruộng trung bình 10% và dung tích hấp thu trong đất trên 49%.

- Các kết quả thí nghiệm trên ruộng cho thấy việc đưa bentonite vào đất trồng nho táo măng tây và ngô ở Ninh Thuận với lượng 40 tấn/ha có tác dụng tiết kiệm nước trên 10%.

- Đã hoàn thành nghiên cứu chế tạo và xây dựng quy trình sử dụng 4 bộ phân bón lá nano vi lượng humic chelate trong trồng nho, táo, măng tây và ngô. Các kết quả thí nghiệm trên ruộng cho thấy việc phun phân bón lá nano vi lượng trong trồng nho táo măng tây và ngô ở Ninh Thuận có tác dụng tăng năng suất trên 10% và đạt trên 15% khi đất trồng được trộn bentonite với lượng 40 tấn/ha.

- Hiệu quả kinh tế đạt được khi sử dụng bentonite cải tạo đất và phân bón lá nano vi lượng trong các mô hình nho, táo, măng tây và ngô ở Ninh Thuận là:

+ Trong mô hình trồng nho: Hiệu quả kinh tế của đầu tư hai công nghệ trong trồng nho đỏ Cardinal là tăng lợi nhuận 64.375.000 đ/ha/vụ, trong trồng nho xanh NH01-48 tăng lợi nhuận 138.825.000 đ/ha/vụ so với đối chứng tại thời điểm thu hoạch;

+ Trong mô hình trồng táo: Hiệu quả kinh tế của đầu tư hai công nghệ trong trồng táo TN-05 là tăng lợi nhuận 35.580.000 đ/ha/vụ so với đối chứng tại thời điểm thu hoạch.

+ Trong mô hình trồng măng tây F1 Hà Lan: Hiệu quả kinh tế của đầu tư hai công nghệ trong trồng măng tây là tăng lợi nhuận 152.477.700đ đ/ha/năm so với đối chứng tại thời điểm thu hoạch.

+ Trong mô hình trồng ngô VN7328: Việc đầu tư hai công nghệ trong trồng ngô có hiệu quả kinh tế thấp, tăng 2.100.000 đ/ha/vụ so với đối chứng tại thời điểm thu hoạch.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17952/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.