Trước tình hình dịch COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp trên thế giới, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác phòng, chống, ứng phó với dịch COVID-19, trong đó có một số văn bản liên quan trực tiếp đến hoạt động khoa học và công nghệ.

Đặc biệt, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 11/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới tiếp tục nghiên cứu phương thức phòng chống, phác đồ điều trị.

Nhiều nhiệm vụ khoa học công nghệ hỗ trợ phòng, chống dịch

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 11/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành triển khai một số nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Điển hình là triển khai đề tài “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm real-time RT-PCR và RT PCR phát hiện virus SARS-CoV-2 chủng mới”, Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á đã sản xuất thành công bộ Kit real-time RT-PCR xét nghiệm SARS-CoV-2 năm 2019 và được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn CE (Tiêu chuẩn châu Âu), được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng.


Bộ sinh phẩm (bộ Kít) realtime RT PCR one step phát hiện vi rút corona chủng mới do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện.

Bộ Kit xét nghiệm này của Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp thuận và đánh giá bộ Kit LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit do Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á sản xuất theo Quy trình Danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00. Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã gửi tặng các nước Hungary, Indonesia và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào thông qua Đại sứ quán mỗi nước 500 bộ Kit xét nghiệm.

Đề tài nghiên cứu "Chế tạo robot vận chuyển trong các khu vực cách ly có nguy cơ lây nhiễm cao (Vibot)" được Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Học viện Kỹ thuật Quân sự (Bộ Quốc phòng) thực hiện đã hoàn thành, lắp đặt và đưa vào sử dụng tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Thăng Long, Hà Nội (nơi được quy hoạch để cách ly, điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 khi dịch bùng phát). Robot Vibot thực hiện nhiệm vụ tự động vận chuyển thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm từ ngoài vào các buồng bệnh, đồng thời vận chuyển rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, đồ giặt từ buồng bệnh ra khu tập kết và hỗ trợ giao tiếp từ xa giữa nhân viên y tế và bệnh nhân, giảm lây nhiễm chéo.

Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo robot hỗ trợ nhân viên y tế trong khử khuẩn lau sàn nhà (NaRoVid)” được Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Viện Ứng dụng Công nghệ thực hiện. Robot được nghiên cứu, chế tạo sẽ hoạt động trong khu vực cách ly để thay thế, hỗ trợ nhân viên y tế thực hiện việc lau sàn nhà dùng chất khử khuẩn. Ngoài việc giảm rủi ro lây nhiễm, việc sử dụng robot còn tạo điều kiện để nhân viên y tế tập trung thời gian, công sức phục vụ, chăm sóc và điều trị bệnh nhân nặng được tốt hơn. Sản phẩm này đã thử nghiệm thành công tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội.

Ngày 15/4/2020, robot có tên NaRoVid1 đã được thử nghiệm tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (huyện Đông Anh, Hà Nội)

Bên cạnh đó, phát huy nền tảng của Hệ tri thức Việt số hóa, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ động tập hợp, huy động các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu xây dựng bản đồ vùng dịch sử dụng Vmap, theo dõi (tracking) khách nước ngoài tại các điểm du lịch, xây dựng phần mềm khai báo y tế phục vụ hiệu quả công tác truy vết, kiểm soát các ca bệnh, khoanh vùng, dập dịch, dự báo dịch tễ…

Bộ Khoa học và Công nghệ đã huy động hiệu quả mạng lưới đại diện khoa học và công nghệ tại các nước để kết nối các nhóm nghiên cứu và trao đổi, thử nghiệm các thiết bị, công nghệ sản phẩm phòng, chống dịch. Thu thập những công bố khoa học quốc tế được xuất bản về SARS-CoV-2 để rút ra kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu, điều trị và cung cấp truy cập miễn phí phục vụ các bác sĩ, nhân viên y tế và các nhà nghiên cứu của Việt Nam.

Nối tiếp các thành công, hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ theo hướng: Nghiên cứu sản xuất vắc-xin; Sản xuất vật tư, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch; Sản xuất thuốc điều trị COVID-19; sản xuất kháng thể đơn dòng; nghiên cứu đặc điểm hệ gen người mắc COVID-19... nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả hơn trong thời gian tới.

AI - Sự “kỳ diệu” trong chẩn đoán, điều trị bệnh

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh: Xu thế phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) trên toàn thế giới cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, công nghệ lưu trữ, dữ liệu lớn đã tạo ra nhiều điều "kỳ diệu" trong các lĩnh vực cuộc sống, đặc biệt, đối với ngành y là sự “kỳ diệu” trong chẩn đoán, điều trị bệnh bệnh.

Ở lĩnh vực y tế, khi toàn bộ tri thức của nhân loại, thầy thuốc và y bác sỹ tích lũy nhiều năm, nay được tổng hợp lại thông qua dữ liệu lớn. Các dữ liệu này cũng được phân tích dựa trên thuật toán, công nghệ máy tính, tạo ra công cụ hỗ trợ các bác sỹ, nhân viên y tế trong việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh tốt hơn.

Nhận định về tiềm năng ứng dụng AI trong chuyên ngành lao và bệnh phổi, ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, đồng thời là Chủ nhiệm chương trình chống lao quốc gia - Người có nhiều năm nghiên cứu, hoạt động về y tế cho biết: AI đã được các bác sĩ và chuyên gia của Bệnh viện Phổi Trung ương nghiên cứu, ứng dụng vào khám chữa bệnh từ 4 năm qua. AI và các công nghệ hiện đại có thể giúp phát hiện sớm những bệnh thời đại như: Ung thư, tim mạch… giúp giảm chi phí và kéo dài sự sống. Hiện AI được ứng dụng tại Bệnh viện Phổi Trung ương trong đọc kết quả chụp phim X-Quang để chủ động phát hiện bệnh lao sớm trong cộng đồng.

Ngoài ra, để hỗ trợ cho người bệnh điều trị dài hạn trên 6 tháng, các chuyên gia của bệnh viện đã phát triển ứng dụng trên điện thoại có tên Dr.Minh giúp cả người bệnh và bác sĩ theo dõi tiền sử khám chữa bệnh. Việc áp dụng công nghệ sẽ giải quyết cùng lúc hai bài toán, giảm khối lượng công việc của bác sĩ và tăng năng lực khám chữa bệnh. Mục tiêu của bệnh viện là muốn chấm dứt lao phổi bằng cách phát hiện sớm và AI sẽ là công cụ hỗ trợ để hoàn thành mục tiêu.

Ông David Hansen, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu y tế điện tử-CSIRO (Australia) chia sẻ: Tại Australia, AI trong y tế được triển khai theo ba hướng nghiên cứu lớn gồm: Nghiên cứu lâm sàng kinh điển dựa trên kiểu gene, xử lý dữ liệu y tế về những báo cáo hình ảnh lâm sàng và tăng cường khả năng tiếp cận trong chẩn đoán và điều trị bệnh nan y. Việc ứng dụng y tế số giúp thúc đẩy dịch vụ, chất lượng chăm sóc sức khỏe.

Bắt đầu từ nghiên cứu tế bào cơ bản đến nghiên cứu liên quan đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ công cụ phân tích dữ liệu thông minh. Hệ thống sẽ gửi hình ảnh lâm sàng cho bác sĩ trong chẩn đoán nhanh chóng, đồng thời, AI giúp đọc hệ gene, sử dụng thuật toán để thấy được diễn biến mô hình bệnh, chỉ số sinh học, các thông tin trên hồ sơ bệnh án của bệnh nhân, nghiên cứu để phân tích hình ảnh trên não bộ. Đặc biệt, Australia ứng dụng AI xử lý ngôn ngữ tự nhiên cho các cơ sở dữ liệu về ung thư, phân loại và mã hóa thủ công các ca ung thư, vị trí khối tiên phát, kích cỡ khối u và đưa ra thông tin giai đoạn ung thư.

Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Y tế Trần Thị Mai Oanh cho biết: Những năm gần đây, ngành y tế quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ, số hóa nhiều hoạt động trong ngành. Đặc biệt, hiện nay một số bệnh viện đang triển khai nhiều ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong điều trị ở các bệnh viện như: AI hỗ trợ điều trị ung thư tại Bệnh viện K, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Phú Thọ...

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề xuất 9 nhiệm vụ và giải pháp nhằm nâng cao cơ hội chăm sóc sức khoẻ người dân trong đó có gắn với công nghệ số như xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin; dữ liệu hồ sơ sức khoẻ cá nhân, bệnh án điện tử...

Theo TTXVN