Chưa bao giờ nông dân trồng điều ở Tây Nguyên gặp khó như năm nay, khi cây điều mất mùa, rớt giá. Nếu như bình quân mọi năm, năng suất đạt hơn 1 tấn hạt điều tươi/ha thì niên vụ 2022 này giảm còn 3-4 tạ/ha.

 

Điều đáng buồn hơn, không chỉ mất mùa, giá hạt điều năm nay cũng rớt thê thảm. Hiện hạt điều chỉ được mua ở mức hơn 20 ngàn đồng/kg, thấp hơn năm ngoái từ 3-4 ngàn đồng/kg. Tình trạng này đang khiến người trồng điều ở Tây Nguyên tiến thoái lưỡng nan. Nếu thuê thêm người thu hoạch thì thu không đủ chi. Tính ra mỗi ha phải bù lỗ thêm khoảng 20- 30 triệu đồng.

Hiện nay, toàn vùng Tây Nguyên đang sản xuất 83.900 ha điều. Phần lớn diện tích điều được trồng trong khoảng thời gian hơn 20 năm trước và thuộc chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Theo phân tích của các nhà khoa học, cán bộ quản lý nông nghiệp và từ thực tiễn sản xuất của nông dân, sở dĩ năm nay điều ở Tây Nguyên mất mùa là do phần lớn diện tích điều đã bước sang giai đoạn già cỗi. Mặt khác, do thời tiết thay đổi khác thường khiến sâu bệnh bùng phát và tỷ lệ đậu trái của cây điều rất thấp. Một số nông dân trồng điều khác cũng cho biết thêm, vào thời điểm cây điều đang ra hoa rộ (khoảng đầu năm âm lịch) thì tại Tây Nguyên xuất hiện những trận mưa trái mùa. Tình trạng này đã khiến một phần hoa bị rụng, phần khác thì khô quắt lại không đậu quả được.

Phần lớn diện tích điều hiện có ở các tỉnh Tây Nguyên tập trung trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn. Việc tiếp cận các kiến thức khoa học và công nghệ áp dụng vào sản xuất còn nhiều hạn chế. Vì vậy, khi cây điều mất mùa và rớt giá như năm nay, người trồng thua lỗ sẽ kéo theo những hệ lụy như đời sống của hàng trăm nghìn hộ nông dân ở Tây Nguyên gặp khó, thậm chí lâm cảnh nợ nần do vay mượn đầu tư cho vườn điều trước đó. Đứng trước thực trạng điều mất mùa, rớt giá, nhiều nông hộ ở Tây Nguyên đang tính đến việc cưa cắt vườn điều, chuyển sang cây trồng khác. Điệp khúc “trồng, chặt” từng xảy ra với các loại cây trồng chủ lực khác ở Tây Nguyên như cà phê, hồ tiêu, cao su... những năm trước đây, khi người sản xuất thua lỗ.