Nhờ vào sự chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của các nhà khoa học của Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Bến Tre bước đầu đã nhân giống dừa thành công bằng phương pháp nuôi cấy mô từ đỉnh sinh trưởng giúp tạo được chất lượng đồng đều trong vườn dừa so với cách lấy giống truyền thống, đáp ứng nhu cầu về chất lượng trái trong sản xuất các sản phẩm từ dừa. Bên cạnh đó, ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô trong nhân giống cây dừa sẽ giúp lựa chọn được những giống dừa phù họp với từng vùng, thích ứng biến đổi khí hậu trong điều kiện hiện nay.
Hiện nay có 2 phương pháp tuyển chọn giống dừa đó là: phương pháp lai tạo giữa các giống dừa với nhau để lựa chọn giống dừa mới và phương pháp dựa vào quần thể sinh học có sẵn để tuyển chọn cây dừa mẹ lấy giống từ cây dừa mẹ này để nhân giống. Tuy nhiên hai phương pháp này đều có nhược điểm rất lớn, phương pháp lại tạo thời gian lâu lựa chọn ưu thế lai khó; phương pháp lựa chọn giống từ cây dừa mẹ, nếu như dùng trái từ cây dừa mẹ này để ươm cây con, rất khó cho ra những cây dừa mang đặt tính của cây dừa mẹ. Theo đó cây dừa sau này chỉ duy trì từ cây mẹ đặc điểm có nhiều trái còn các đặc điểm khác rất khó duy trì cho thế hệ sau vì cây dừa thụ phấn chéo dễ lai tạo sẽ mất đi những đặt tính tốt của cây dừa mẹ.
Chính vì thế, việc lựa chọn giống từ hai phương pháp trên không đảm bảo về chất lượng, năng suất của cây dừa trong tương lai cho nên phương pháp ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống vô tính bằng phương pháp nuôi cấy mô mới có thể đảm bảo cây dừa giống sau này sẽ mang đặt tính giống hoàn toàn cây mẹ.
Đây là thành công bước đầu trong nhân giống vô tính cây dừa bằng phương pháp nuôi cấy mô mà từ trước đến nay chưa thực hiện được do đó mà ngành chức năng cần tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất, để đáp ứng nhu cầu sản xuất giống dừa trong thời gian tới.
Theo ông Trần Văn Hiệp, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm (Bến Tre), để lựa chọn giống dừa, ông lựa chọn các cây dừa mẹ mang đặc tính nhiều trái, cơm dừa dày, tái dừa lớn…để ươm cây giống. Tuy nhiên, sau khi trồng chỉ có khoảng 30% cây mang đặc tính giống cây dừa mẹ, đa số các cây còn lại không đảm bảo chất lượng, năng suất nên ông đành phải đốn bỏ trồng lại cây khác. Bên cạnh đó, thời gian từ khi trồng cho đến khi ra trái rất lâu, phải mất đến 5 năm cây dừa mới cho trái. Tuy nhiên, nếu cây dừa không đạt chất lượng, người dân đã bị tốn mất 5 năm để trồng lại cây khác và điều này sẽ ảnh hưởng rất lướng đến kinh tế của người dân.
Việc sản xuất giống dừa bằng phương pháp nuôi cấy mô sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho người nông dân, khi đó vườn dừa sẽ đồng đều về năng suất chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, quan trọng nhất là tỷ lệ cây dừa đạt hiệu quả sau khi trồng gần như tuyệt đối, nông dân không phải tốn thời gian trồng lại nếu cây không đạt chất lượng như mong muốn.
Nguồn:từ trang web:vista.gov.vn. của cục thông tin KH&CN quốcgia