Vệ tinh gỗ đầu tiên trên thế giới do các nhà nghiên cứu Nhật Bản chế tạo, mới đây đã được phóng lên không gian trong cuộc thử nghiệm ban đầu về việc sử dụng gỗ trong quá trình thám hiểm Mặt Trăng và Sao Hỏa.
Vệ tinh LignoSat, do Đại học Kyoto và công ty xây dựng Sumitomo Forestry (1911.T) chế tạo, sẽ được đưa lên Trạm vũ trụ quốc tế trong sứ mệnh SpaceX và sau đó được đưa lên quỹ đạo cách Trái Đất khoảng 400 km. Tên của vệ tinh này được đặt theo tên tiếng Latin có nghĩa là "gỗ", có kích thước bằng lòng bàn tay và làm nhiệm vụ chứng minh tiềm năng vũ trụ của vật liệu tái tạo khi con người khám phá cuộc sống trong không gian.
Takao Doi, phi hành gia đã bay trên Tàu con thoi và nghiên cứu các hoạt động trong không gian của con người tại Đại học Kyoto cho rằng: "Với gỗ, vật liệu mà chúng ta có thể tự sản xuất, chúng ta sẽ xây nhà, sống và làm việc trong không gian mãi mãi".
Với kế hoạch trồng cây và xây nhà gỗ trên Mặt trăng và Sao Hỏa trong 50 năm tới, nhóm nghiên cứu đã quyết định phát triển một vệ tinh gỗ được NASA chứng nhận để chứng minh gỗ là vật liệu có thể sử dụng trong không gian.
Koji Murata, giáo sư khoa học lâm nghiệp tại Đại học Kyoto cho rằng: "Máy bay đầu những năm 1900 được làm bằng gỗ. Một vệ tinh bằng gỗ cũng sẽ khả thi”. Gỗ có độ bền cao hơn trong không gian so với trên Trái đất vì ở đó không có nước hoặc oxy làm gỗ bị mục nát hoặc cháy. Hon nữa, vệ tinh bằng gỗ cũng giảm thiểu tác động đến môi trường khi hết vòng đời.
Các vệ tinh đã ngừng hoạt động phải quay trở lại bầu khí quyển để tránh trở thành rác vũ trụ. Phi hành gia Doi cho biết các vệ tinh kim loại thông thường thải ra các hạt nhôm oxit trong quá trình quay trở lại, nhưng các vệ tinh bằng gỗ sẽ cháy hết và ít gây ô nhiễm hơn.
Ứng dụng công nghiệp
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng honoki, cây mộc lan có nguồn gốc từ Nhật Bản và theo truyền thống được sử dụng để làm vỏ kiếm, phù hợp nhất cho tàu vũ trụ, sau một thí nghiệm kéo dài 10 tháng trên Trạm vũ trụ quốc tế.
Vệ tinh LignoSat được làm bằng gỗ honoki, sử dụng kỹ thuật thủ công truyền thống của Nhật Bản mà không cần vít hoặc keo. Sau khi triển khai, LignoSat sẽ ở trên quỹ đạo trong sáu tháng, với các thành phần điện tử trên tàu đo lường khả năng gỗ chịu được môi trường khắc nghiệt của không gian, nơi nhiệt độ dao động từ -100 đến 100 độ C cứ sau 45 phút khi nó quay quanh từ phía tối sang phía có ánh sáng mặt trời.
Vệ tinh LignoSat cũng sẽ giúp đánh giá khả năng của gỗ trong việc giảm tác động của bức xạ vũ trụ đến chất bán dẫn, nên sẽ hữu ích cho các ứng dụng như xây dựng trung tâm dữ liệu.
Nguồn: N.P.D (NASATI), theo Reuters, 11/2024