Kể từ khi ra mắt hồi cuối tháng 11 năm ngoái, ChatGPT - chatbot được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) do OpenAI phát triển đã trở thành một hiện tượng thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của người dùng trên khắp thế giới. Theo thống kê của Công ty phân tích Similar Web, khoảng 13 triệu người dùng đã sử dụng ChatGPT mỗi ngày trong tháng 1/2023, nhiều hơn gấp đôi so với mức trong tháng 12.  Số người dùng ChatGPT được cho là cán mốc 100 triệu người/tháng chỉ 2 tháng sau khi được ra mắt, khiến đây trở thành ứng dụng cho người dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử.

 

ChatGPT, viết tắt của Chat Generative Pre-training Transformer, là một chatbot do công ty OpenAI - một công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo có trụ sở tại San Francisco của Mỹ phát triển và ra mắt vào tháng 11/2022. ChatGPT được xây dựng dựa trên GPT-3.5 - một dòng mô hình ngôn ngữ lớn của OpenAI đồng thời được tinh chỉnh bằng cả hai kỹ thuật học tăng cường lẫn học có giám sát. ChatGPT nhanh chóng thu hút sự chú ý nhờ việc nó có thể hồi đáp chi tiết và trả lời lưu loát trên nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau. Độ chính xác không đồng đều về dữ kiện thực tế của nó được xác định là mặt hạn chế đáng kể.

Đến ngày 4/12/2022, OpenAI ước tính ChatGPT đã có hơn một triệu người dùng. Tính đến 31/1/2023, ứng đã đạt 100 triệu người dùng chỉ sau 2 tháng ra mắt.  Thống kê của Sensor Tower cho thấy nền tảng video ngắn TikTok cần 9 tháng sau khi phát hành toàn cầu để đạt 100 triệu người dùng, trong khi Instagram mất tới 2,5 năm, còn ứng dụng dịch Google Translate là 6,5 năm. ChatGPT đã trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử.

ChatGPT hoạt động như thế nào?

Mô hình ChatGPT được đào tạo bằng kỹ thuật máy học có tên là ‘Học tăng cường từ phản hồi của con người’ (Reinforcement Learning from Human Feedback - RLHF). Hệ thống này được thiết kế để cung cấp thông tin và trả lời các câu hỏi thông qua giao diện đàm thoại.

ChatGPT được tinh chỉnh dựa trên GPT-3.5 bằng cách sử dụng phương pháp học có giám sát cùng với phương pháp học tăng cường. Cả hai phương pháp đó đều sử dụng huấn luyện viên là con người để cải thiện hiệu suất của mô hình. Trong trường hợp học có giám sát (supervised learning), mô hình này được cung cấp các hội thoại trong đó huấn luyện viên đóng vai trò làm cả hai bên: người dùng và trợ lý AI. Trong bước tăng cường (reinforcement), đầu tiên 'huấn luyện viên con người' xếp hạng các phản hồi mà mô hình này đã tạo ra trong mấy hội thoại trước đó. Các xếp hạng này được sử dụng để tạo ra 'mô hình phần thưởng', rồi từ đó mô hình đấy được tinh chỉnh thêm nữa bằng cách sử dụng Proximal Policy Optimization (PPO, Tối ưu hóa chính sách cận tính), lặp đi lặp lại mấy lần quá trình này. ChatGPT có thể “mô phỏng đối thoại, trả lời các câu hỏi theo mạch, thừa nhận sai lầm, phản đối các cơ sở không chính xác và từ chối các yêu cầu không phù hợp”.

Tính năng và những hạn chế của ChatGPT

So với bản tiền nhiệm của nó, InstructGPT, ChatGPT cố gắng giảm các hồi đáp có hại và lường gạt lại. Để ngăn ngừa việc xúc phạm được trình ra và tạo ra từ ChatGPT, các truy vấn đều được lọc thông qua một API thẩm hạch (moderation), và những prompt có tiềm tàng nội dung kỳ thị chủng tộc hay giới tính thì sẽ bị gạt bỏ đi.

Tuy nhiên, ChatGPT vẫn còn nhiều hạn chế. Mô hình phần thưởng của ChatGPT, được thiết kế dựa trên sự giám sát của con người, có thể bị tối ưu hóa quá mức và do đó cản trở hiệu suất, còn được gọi là định luật Goodhart. Hơn nữa, ChatGPT không biết gì nhiều về các sự kiện xảy ra sau năm 2021. Trong huấn luyện, người đánh giá lại ưa những câu trả lời dài hơn nữa, bất chấp mức độ lĩnh hội thực tế hay nội dung có đúng với thực kiện không. Dữ liệu huấn luyện cũng có thể bị thiên kiến thuật toán...

Khi ChatGPT ra đời, nhiều người đã có suy đoán rằng các nghề phụ thuộc vào sản xuất nội dung như: Nhà viết kịch và giáo sư đến lập trình viên và nhà báo có thể trở nên lỗi thời và có thể bị thay thế. Trong những ngày đầu sau khi ChatGPT ra mắt thị trường, một vài nhà nghiên cứu học thuật đã thử kiểm tra mô hình này bằng những bài kiểm tra kiến thức. Họ sẽ cho điểm tối đa nếu bài viết mà ChatGPT đưa ra được làm bởi một sinh viên chưa tốt nghiệp. Các lập trình viên cũng sử dụng công cụ này để giải quyết các lỗi lập trình chỉ trong một tích tắc.

Khả năng tạo văn bản giống như con người cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu ChatGPT có thể thay thế các nhà báo hay không? Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện tại, các chuyên gia cho rằng ChatGPT vẫn thiếu các sắc thái diễn đạt cũng như kỹ năng tư duy phản biện hoặc khả năng ra các quyết định về đạo đức.

Về nguồn dữ liệu, phiên bản ChatGPT hiện tại được huấn luyện dựa trên kho dữ liệu khổng lồ có từ năm 2021 trở về trước, nên không thể cung cấp thông tin mới nhất, khiến một số truy vấn và tìm kiếm trở nên vô ích. Thậm chí, ChatGPT cũng có thể đưa ra câu trả lời hoàn toàn sai, đôi khi là những “câu trả lời nghe có vẻ hợp lý nhưng không chính xác hoặc vô nghĩa”, như chính công ty OpenAI từng thừa nhận. Đây là vấn đề mà OpenAI coi là khó khắc phục.

Ngay sau khi chatbot này ra mắt, nhiều người đã so sánh nó với công cụ tìm kiếm của Google (Google Search). ChatGPT tự tổng hợp câu trả lời hoàn chỉnh từ quá trình huấn luyện, do đó nó giúp người dùng rút ngắn thời gian khi cần ngay thông tin trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, chatbot AI này kém Google Search về khả năng cập nhật (vốn quét Internet để tìm dữ liệu theo thời gian thực) và kiểm chứng thông tin (trích xuất nguồn thông tin theo các đường link). Theo nhận định của CNBC, ở giai đoạn này, kết quả từ Google vẫn đáng tin cậy nhờ nhiều năm kinh nghiệm trong việc phát triển công cụ tìm kiếm cũng như nguồn tài chính khổng lồ để đầu tư cho công nghệ.

ChatGPT có thể dùng để làm gì?

Một số người dùng ban đầu đã mô tả mô hình này như một giải pháp thay thế cho Google vì có khả năng cung cấp các mô tả, câu trả lời và giải pháp cho các câu hỏi phức tạp bao gồm cách viết code và giải quyết các vấn đề về bố cục cũng như truy vấn tối ưu hóa. ChatGPT có thể được sử dụng trong các lĩnh vực như sáng tạo nội dung cho các trang web, trả lời các câu hỏi của khách hàng, cung cấp các gợi ý, tạo chatbot tự động, phát hiện hoặc thậm chí là sửa các lỗi lập trình. Công cụ này đặc biệt gây ấn tượng với các chuyên gia về khả năng sáng tạo nội dung, thực hiện các nhiệm vụ phức tạp nhưng lại dễ sử dụng.

Hiện ChatGPT vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, người dùng có thể đăng ký dùng thử miễn phí. Sau đó, họ sẽ phải trả tiền để sử dụng một số tính năng đặc biệt. Cụ thể vào cuối tháng 1/2023, OpenAI đã tung ra gói đăng ký 20 USD/tháng với dịch vụ ổn định và nhanh hơn kèm với cơ hội dùng thử các tính năng mới. ChatGPT chỉ có thể truy cập thông qua trang web của OpenAI và không có ứng dụng trên điện thoại. Vì vậy, người dùng cần lưu ý để không tải về các ứng dụng mạo danh có nguy cơ chứa phần mềm độc hại.

ChatGPT có đe dọa nhiều ngành, nghề?

Năm 2016, phần mềm AlphaGo đã đánh bại đại kiện tướng cờ vây hàng đầu thế giới người Hàn Quốc Lee Sedol với một tỷ số hết sức thuyết phục: 4-1. Năm 2019, AI còn tiến thêm một bước xa hơn nữa khi phần mềm Pluribus được các nhà nghiên cứu ở Mỹ phát triển đã lần đầu đánh bại được những vận động viên poker hàng đầu thế giới trong một trò chơi 6 người (vốn dĩ phức tạp hơn nhiều những trò thi đấu tay đôi như cờ vây hay cờ vua). Năm 2021, công ty OpenAI tung ra phần mềm Dall-E, lần đầu tiên cho phép con người sáng tạo ra những bức họa từ những dòng lệnh bằng chữ như "Hãy vẽ cho tôi một con mèo lên sao Hỏa theo phong cách tranh Van Gogh". Cuối năm 2022, đầu năm 2023, tới lượt ChatGPT ra đời đặt ra câu hỏi về việc con người có cần phải thay đổi tư duy, cách thức làm việc hay không? Nhìn nhận ảnh hưởng của ChatGPT nói riêng, AI nói chung đối với các ngành, nghề hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng: Đây là tiếng chuông cảnh báo cho “những người đang cảm thấy an toàn và bằng lòng với công việc hiện tại”.

Các chuyên gia đưa ra dự báo về 10 công việc có nguy cơ bị thay thế cao nhất bởi những công cụ AI như ChatGPT: Việc làm ngành IT (Người viết mã, lập trình viên, kỹ sư phần mềm, nhà phân tích dữ liệu); Công việc truyền thông (quảng cáo, sáng tạo nội dung, báo chí); Công việc ngành luật (trợ lý luật sư, trợ lý pháp lý); Nhân viên nghiên cứu thị trường; Giáo viên; Công việc ngành tài chính (Chuyên viên phân tích tài chính, cố vấn tài chính cá nhân).

Theo một số chuyên gia, sự xuất hiện của ChatGPT cho thấy về lâu dài hơn, khi tập mẫu đủ lớn, AI sẽ dần dần đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong công tác vận hành hệ thống cũng như tiếp cận với người dùng cuối. Qua thời gian, AI với quá trình tự học hỏi sẽ hiểu khách hàng hơn, không bị áp đặt cảm xúc khi tiếp xúc, hiệu suất làm việc lớn hơn bất kể ngày đêm. Với điều kiện tập mẫu khách hàng đủ lớn, AI sẽ chứng minh được lợi thế. Trong trường hợp này, một số ngành như bán hàng từ xa, chăm sóc khách hàng sẽ bị đánh bại đầu tiên. AI sẽ làm việc hiệu quả trên diện rộng mà không cần mất công đào tạo từng nhân sự như hiện nay.

Trong lĩnh vực xuất bản, truyền thông, ChatGPT khó có thể thay thế được các nhà báo chuyên nghiệp bởi đây chỉ là một mô hình ngôn ngữ được huấn luyện. Có nghĩa là, ChatGPT sẽ chỉ tổng hợp được thông tin từ các dữ liệu có sẵn. Trong khi đó, báo chí thì luôn cần những chủ đề mới, những đề tài mới, góc nhìn mới. Những điều này, chỉ có các phóng viên trong thực tế mới làm được. Tuy nhiên, các phóng viên, nhà báo nói riêng, người dùng nói chung có thể tận dụng ChatGPT để nâng cao hiệu quả công việc của mình. ChatGPT có thể giúp tóm tắt các văn bản, tài liệu dài; tạo câu hỏi và trả lời các câu hỏi, qua đó giúp người dùng tìm kiếm góc nhìn mới, hay ‘thử’ tiến hành nghiên cứu về sự kiện, nhân vật… Ngoài ra, ChatGPT cũng sẽ hỗ trợ dịch bài viết sang các ngôn ngữ khác nhau.

Sẽ luôn có những lĩnh vực mà AI sẽ không thể thay thế con người, đặc biệt là trong những bối cảnh đòi hỏi sự quyết định dựa trên đạo đức. AI được con người dạy, còn con người sẽ làm việc và quyết định dựa cả vào cảm xúc. AI có thể vẽ tranh, làm thơ, sáng tác nhạc, nhưng chưa thể chạm tới cảm xúc.

Lo ngại về mặt đạo đức

Tương tự nhiều phần mềm AI khác, ChatGPT cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều sau khi ra mắt. Lo ngại về mặt đạo đức là vấn đề chung của nhiều chuyên gia đề cập khi nhắc đến ứng dụng chatbot của OpenAI. Theo đó, công nghệ AI có thể khiến kéo dài các thành kiến xã hội như phân biệt chủng tộc, giới tính và văn hóa… Google và Amazon trước đây đã thừa nhận rằng một số dự án thử nghiệm với AI của họ là rắc rối về mặt đạo đức và có những hạn chế. Tại một số công ty, con người đã phải can thiệp và khắc phục sự tàn phá về mặt đạo đức của AI. Các chuyên gia cho rằng, một nguồn tạo ra thông tin cũng có thể tạo ra thông tin sai lệch. Máy móc được lập trình bởi con người và có thể trở thành phương tiện phản ánh những định kiến của họ.

ChatGPT thậm chí có thể tạo điều kiện khiến nạn phát tán tin giả trở nên trầm trọng hơn. Người ta có thể yêu cầu nó tạo ra một thuyết âm mưu về Covid-19 chẳng hạn, và nó có thể làm điều đó khá tốt. Chatbot khiến việc phát tán tin giả trở nên dễ dàng hơn và với chi phí thấp hơn. Nó được thiết kế nghe có vẻ giống như một sinh vật biết suy nghĩ, nhưng nó chỉ đơn giản là suy luận thống kê, và không có bất kỳ sự hiểu biết nào.

ChatGPT rất ấn tượng, nhưng nó đặt ra nhiều mối lo ngại về mặt đạo đức. ChatGPT cho phép bất cứ học sinh nào cũng có thể tạo ra một bài luận đạt yêu cầu một cách miễn phí chỉ trong vài giây, và đây là vấn đề mà các chuyên gia giáo dục cho là cần phải được nghiêm túc nhìn nhận lại. Với khả năng tạo ra các đoạn văn, bài thơ, bài tiểu luận khá mạch lạc chỉ trong thời gian ngắn, ChatGPT gây nên mối lo ngại về đạo văn hay gian lận trong học tập. Để ngăn chặn tình trạng này, mới đây, Sciences Po, một trong những trường đại học hàng đầu nước Pháp đã cấm sinh viên sử dụng ChatGPT cũng như các phần mềm trí tuệ nhân tạo khác. Không chỉ ở Pháp, ChatGPT cũng bị cấm ở một số trường công lập tại thành phố New York và Seattle (Mỹ). Nhiều trường đại học của Mỹ đã công bố kế hoạch giao ít bài đánh giá mang về nhà hơn, thay vào đó là thực hiện nhiều hơn các bài tiểu luận viết tay và bài kiểm tra vấn đáp.