Ở Việt Nam, hành lá là loại cây gia vị phổ biến, giúp tăng hương vị trong món ăn nhưng chúng cũng là một thực phẩm có nhiều tác dụng đối với sức khỏe mà ít ai chú ý tới.
Trong Đông y, hành có vị cay, tính ôn, không độc. Hành có công dụng thông dương, hoạt huyết, giúp ra mồ hôi, lợi tiểu và sát trùng. Ngoài ra, hành còn có tác dụng chữa cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, ho sốt. Loại gia vị này còn giúp tăng tiết dịch tiêu hóa, chữa bệnh ăn không ngon, khó tiêu, đầy bụng. Tác dụng làm ấm thận và ấm tử cung.
Theo Tây y, hành còn là một loại kháng sinh rất mạnh, mạnh hơn cả penicillin. Do đó, nó giúp tăng cường miễn dịch và diệt khuẩn. Chính vì lý do này mà hành có tác dụng chữa trị rất hiệu quả đối với các bệnh cảm cúm, viêm nhiễm trong cơ thể.
Theo WebMD, chuyên trang chăm sóc sức khỏe, loại gia vị này chứa ít calo nhưng rất giàu chất xơ. Trong 100g hành lá cắt nhỏ chỉ có khoảng 32 calo, nhưng lượng chất xơ lại có thể đáp ứng 10% nhu cầu chất xơ cần thiết trong một ngày của người trưởng thành. Vì thế, nó tăng cảm giác no, giảm mức cholesterol, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch và các bệnh lý khác.
Thành phần chính trong hành lá là nước, chứa ít chất béo và không có cholesterol. Nó cũng chứa ít đường và ít carbs hơn các loại rau khác như cà rốt, khoai tây và ngô. Với hàm lượng vitamin K gấp hai lần khuyến cáo hàng ngày cho người lớn, hành lá giúp đông máu và giữ cho xương chắc khỏe. Bên cạnh đó, nó cung cấp 25% nhu cầu vitamin C hàng ngày, là một chất chống oxy hóa giúp hạn chế tổn thương các tế bào lành mạnh trong cơ thể, cung cấp khoảng 16% nhu cầu folate hàng ngày, loại vitamin có trong cấu trúc của các các sợi ADN và đặc biệt quan trọng với phụ nữ mang thai.
Hành lá thuộc họ hành nên có đặc trưng là loại cây chứa hợp chất allicin - nguyên nhân tạo ra hơi thở có mùi tỏi, có tác dụng ngăn cản các tế bào khỏe mạnh bị ung thư hóa và làm chậm quá trình phát triển của khối u.
Ngoài ra, trong hành lá có chứa tinh dầu có chứa sunfua và chất kháng sinh allin, acid malic, galantin và allinsufit; hạt chứa S-propenyllein sunfoxit tốt cho bệnh nhân bị viêm họng, ho. Các chất trong hành lá, đặc biệt là lượng vitamin A dồi dào, có lợi cho mắt. Một loại flavonoid khác trong hành lá - chất Kaempferol - cũng có tác dụng tích cực cho phụ nữ, làm giảm rủi ro liên quan tới ung thư buồng trứng ít nhất là 40%.
Ăn hành thường xuyên rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên cần có cách chế biến thích hợp để duy trì các chất dinh dưỡng và tinh dầu trong hành. Tốt nhất nên ăn hành sống thay vì hành đã chế biến chín. Khi hành còn sống, tinh dầu và men trong hành được bảo toàn, do đó có hiệu quả hơn. Nên nghiền nát hành và để vài phút mới dùng. Việc này giúp các tế bào giải phóng hoạt chất và chuyển các chất này thành chất cho tác dụng dược lý cần thiết.
Nguồn: Từ trang web:vista.gov.vn của cục thông tin KH&CN Quốc gia