Các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Y Johns Hopkins đã chỉ ra rằng, những người từ 60 tuổi trở lên có hệ miễn dịch suy yếu - chủ yếu là những người được ghép tạng, dùng thuốc ức chế miễn dịch để giảm nguy cơ đào thải sau ghép tạng và những người bị rối loạn hệ miễn dịch khác - không phản ứng mạnh với vắc-xin chống lại virus hợp bào hô hấp (RSV) như những người cùng nhóm tuổi có chức năng miễn dịch bình thường.
Ảnh chụp bằng kính hiển vi điện tử quét các virion virus hợp bào hô hấp (RSV) ở người (màu xanh lam) và được gắn kháng thể (màu vàng) chống lại protein hợp nhất của virus - mục tiêu của vắc-xin RSV.
Nghiên cứu này, do một nhóm các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Ghép tạng Johns Hopkins thực hiện, đã được công bố trên tạp chí JAMA mới đây. Nghiên cứu này song song với công trình trước đó được thực hiện tại trung tâm để hiểu rõ hơn về cách hệ thống miễn dịch của những người bị suy giảm miễn dịch phản ứng với vắc-xin chống lại SARS-CoV-2, loại vi-rút gây ra đại dịch COVID-19.
RSV là tác nhân hàng đầu gây ra bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Bệnh thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhưng lại là mối đe dọa cho mọi lứa tuổi và có thể dẫn đến các bệnh về đường hô hấp nghiêm trọng hơn như viêm phổi ở người cao tuổi và những người bị suy giảm miễn dịch. Tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Andrew Karaba, phó giáo sư y khoa tại Trường Đại học Y Johns Hopkins cho biết: "Chúng tôi thấy rằng, trong các thử nghiệm lâm sàng được thực hiện để xác nhận vắc-xin, trung bình, những người lớn tuổi bị suy giảm miễn dịch có sự phát triển ít kháng thể chống lại RSV hơn sau khi tiêm vắc-xin so với những người khỏe mạnh trên 60 tuổi khác. Ngoài ra, mức độ kháng thể ở những người bị suy giảm miễn dịch rất khác nhau, một số người tham gia nghiên cứu có khả năng miễn dịch tăng mạnh nhờ có vắc-xin trong khi những người khác hầu như không có phản ứng gì".
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một nghiên cứu quốc gia đang được tiến hành do Johns Hopkins Medicine đứng đầu có tên là Emerging Pathogens of Concern in Immunocompromised Persons (EPOC) để theo dõi 38 người (từ 64 đến 72 tuổi) tự báo cáo rằng họ bị suy giảm miễn dịch và đã được tiêm vắc-xin RSVPreF3-AS01 (còn gọi là Arexvy) hoặc RSVpreF (còn gọi là Abrysvo). Nhóm nghiên cứu được chia nhóm đều giữa nam và nữ, với 82% là người được ghép tạng và 74% dùng hai hoặc nhiều loại thuốc ức chế miễn dịch.
Hai loại vắc-xin này kích thích hệ thống miễn dịch nhắm vào protein F quan trọng trên bề mặt của RSV ở trạng thái mới nhiễm trùng, được gọi là tiền pha F (pre-fusion F). Nồng độ kháng thể cao chống lại tiền pha F, đặc biệt những loại kháng thể trung hòa và ngăn chặn RSV xâm nhập vào tế bào, là yếu tố chính góp phần lớn vào việc ngăn ngừa nhiễm trùng RSV.
Mặc dù hầu hết mọi người đều bị nhiễm RSV nhiều lần trong đời, nhưng các ca nhiễm tự nhiên không tạo ra đủ nồng độ kháng thể F để trung hòa vi-rút, kháng thể tiền pha F để ngăn ngừa tái nhiễm và có lẽ là ngăn ngừa bệnh nghiêm trọng.
Cả hai loại vắc-xin RSV đều được thiết kế để giải quyết nhược điểm đó và trên thực tế, chúng đã được chứng minh là tạo ra thành công một lượng lớn kháng thể tiền pha F trong các thử nghiệm ở người lớn khỏe mạnh. Vậy tại sao, các tác giả của nghiên cứu lại đặt nghi vấn phản ứng miễn dịch với vắc-xin này lại khác nhau ở những người bị suy giảm miễn dịch?
"Chúng tôi nghi ngờ rằng một sự khác biệt cơ bản giữa hai loại vắc-xin này — sự có chứa hoặc không có chất hóa học kích thích miễn dịch được gọi là tá dược — có thể đóng vai trò trong sự khác biệt về khả năng miễn dịch, vì vậy chúng tôi đã xem xét đến điều đó", tiến sĩ William Werbel, phó giáo sư y khoa tại Trường Y khoa Đại học Johns Hopkins, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
Arexvy chứa tá dược trong khi Abrysvo thì không. "Khi chúng tôi so sánh phản ứng kháng thể giữa những người tham gia nghiên cứu đã dùng Arexvy với những người dùng Abrysvo, chúng tôi thấy rằng nhóm được tiêm vắc-xin có tá dược có xu hướng có nồng độ kháng thể tiền pha F trung hòa RSV cao hơn", Werbel cho biết. "Vì vậy, vắc-xin tăng cường tá dược như một phương thức cải thiện phản ứng miễn dịch ở những người bị suy giảm miễn dịch cần được nghiên cứu sâu hơn trong các nghiên cứu toàn diện hơn, quy mô lớn hơn".
Tuy nhiên, cả Karaba và Werbel đều chỉ ra rằng nghiên cứu này không cho thấy vắc-xin RSV sẽ không làm giảm bệnh RSV ở những người bị suy giảm miễn dịch.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị những người từ 75 tuổi trở lên và những người từ 60 tuổi trở lên trong nhóm có nguy cơ cao bị nhiễm vi-rút, bao gồm cả những người bị suy giảm miễn dịch nên tiêm một liều vắc-xin RSV để tăng cường mức độ bảo vệ.
Nguồn: P.T.T (NASATI), theo https://medicalxpress.com/news//, 1/2025