Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN), thời gian qua đã có nhiều kết quả nghiên cứu KH&CN có giá trị cao ngang tầm khu vực và quốc tế, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, hoạt động KH&CN có những đặc thù riêng và chịu sự chi phối bởi nhiều văn bản cùng một lúc nên việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Liên quan đến vấn đề này, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định về những quy định mới góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2021-2030.

 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định

Về những chính sách quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước cho hoạt động KH&CN, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN được ban hành thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết: Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 15/2014/TTBKHCN quy định trình tự, thủ tục giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên Bộ số 16/2015/TTLT-BKHCN-BTC hướng dẫn việc quản lý, xử lý tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước. Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước (bao gồm tài sản trang bị để thực hiện nhiệm vụ và tài sản là kết quả của nhiệm vụ). Trên cơ sở Nghị định 70/2018/NĐ-CP, Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành các thông tư hướng dẫn (Thông tư 63/2018/TT-BTC ngày 30/7/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định 70/2018/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng tiền thu được từ việc xử lý tài sản). Thông tư 10/2019/TT-BTC ngày 20/2/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ việc thực hiện giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản này. Thông tư 02/2020/TT-BKHCN ngày 10/8/2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành khoản 1 Điều 41 Nghị định 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2020 của Chính phủ quy định quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước.

Các Thông tư ban hành đã xác định nguyên tắc tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước là tài sản công. Việc quản lý, sử dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Nghiên cứu KH&CN là hoạt động có nhiều đặc thù được quy định tại pháp luật về KH&CN. Tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN mà ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần là tài sản đồng sở hữu. Việc quản lý, sử dụng tài sản được thực hiện theo thỏa thuận tại hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với các bên còn lại và thuyết minh nhiệm vụ KH&CN được phê duyệt theo quy định của pháp luật về KH&CN. Vì vậy, bước đầu các văn bản chính sách hiện hành đã có sự tiếp cận trên cơ sở “tích hợp” được hai hệ thống pháp luật.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, việc hình thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật gồm luật, nghị định và thông tư khá đồng bộ, tạo khuôn khổ, hành lang pháp lý cho việc quản lý, xử lý tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước. Các văn bản đã tạo hành lang pháp lý thống nhất để thực hiện quản lý, xử lý tài sản trang bị, tài sản cố định là kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ khi kết thúc thời gian thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ các nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước đã tạo sự chuyển biến tích cực đến các cơ quan quản lý nhà nước, chủ nhiệm các nhiệm vụ KH&CN, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình đề xuất, thực hiện các nhiệm vụ KH&CN quan tâm đến kết quả đầu ra; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cho KH&CN. Theo đó, một số bộ, ngành, cơ quan, đơn vị đang triển khai xử lý tài sản theo quy định, ban hành quy định về phân cấp thẩm quyền quyết định việc xử lý tài sản hình thành thông qua nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước thuộc thẩm quyền theo dõi, quản lý, một số địa phương đang sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước tại địa phương để phù hợp với các quy định tại Nghị định 70/2018/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành; bổ sung phân quyền xử lý tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước.

Liên quan đến các điểm mới trong dự thảo 5 thông tư liên quan đến việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia mà Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện, Thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết: Lần sửa đổi cùng một lúc 5 thông tư là lần đổi mới lớn nhất các quy định quản lý nhiệm vụ KH&CN, từ khâu xác định nhiệm vụ, tổ chức đặt hàng, tuyển chọn và xét chọn, kiểm tra trong quá trình thực hiện đến khâu đánh giá nghiệm thu cuối cùng nhiệm vụ KH&CN. Điều này thể hiện quyết tâm của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc tái cơ cấu, hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình KH&CN cấp quốc gia. Các nội dung đổi mới, sửa đổi trong đợt rà soát này được triển khai bám sát theo 3 định hướng quan trọng gồm: Nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho nhiệm vụ KH&CN, đồng thời chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho khoán chi, tăng cường hậu kiểm trong quản lý nhiệm vụ KH&CN; tạo điều kiện đơn giản hóa về thủ tục thực hiện cho các bên tham gia, khuyến khích doanh nghiệp tham gia phối hợp thực hiện cùng các viện, trường, tăng cường công khai, minh bạch, bảo đảm liêm chính học thuật; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng cơ sở dữ liệu đã hình thành, tạo ra cơ sở dữ liệu theo thời gian thực. Đặc biệt, trình tự, thời gian tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì đề tài có nhiều sửa đổi lớn nhất khi điều chỉnh thời gian nộp hồ sơ xuống còn 30 ngày, tức là chỉ bằng 1/2 thời gian so với trước để đẩy nhanh tiến độ xét duyệt, chấp nhận rủi ro khi bỏ quy định treo 2 năm không được xét tuyển chọn nếu có nhiệm vụ trước đó bị kết luận không đạt, bỏ quy định yêu cầu các tổ chức thực hiện đề tài phải có báo cáo tài chính đối với loại hình nhiệm vụ như đề tài, đề án được tài trợ 100% từ ngân sách nhà nước. Riêng với các nhiệm vụ KH&CN cấp bách, phát sinh nhằm ứng phó với các tình huống khẩn cấp như dịch bệnh, thiên tai, dự thảo mới quy định rõ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ động hoặc theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng đề xuất nhiệm vụ cấp bách, mới phát sinh có tác động lớn đến phát triển kinh tế -xã hội của đất nước, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng thông qua ý kiến tư vấn của các chuyên gia, tổ chức. Thông tư cũng xác định nhiệm vụ, quy định giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định chủ động rút ngắn thời gian thực hiện các bước theo trình tự thủ tục để đảm bảo tiến độ các đề tài. Để đảm bảo hiệu quả đầu tư cho các dự án sản xuất thử nghiệm đúng địa chỉ, các dự thảo sẽ bổ sung thêm nội dung bắt buộc kiểm tra thực tế cơ sở vật chất, kỹ thuật của tổ chức chủ trì và đơn vị phối hợp trong dự án sản xuất thử nghiệm, dự án KH&CN, bổ sung yêu cầu hồ sơ năng lực của đơn vị phối hợp trong dự án sản xuất thử nghiệm, dự án KH&CN.

Thứ trưởng Lê Xuân Định cũng cho biết định hướng thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia trong thời gian tới: Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục tập trung thực hiện tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia cho giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030. Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1066/TTg-KGVX ngày 5/8/2021 về việc tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cơ bản hoàn thiện việc tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, bám sát Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030. Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 16 chương trình KH&CN quốc gia, gồm 2 chương trình thực hiện dưới hình thức nhiệm vụ KH&CN đặc biệt. Bộ đã phê duyệt 17 chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2025 và 2021-2030. Các Ban Chủ nhiệm và khung chương trình cũng đã cơ bản được thành lập và phê duyệt. Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện dự thảo 5 thông tư quy định về trình tự, thủ tục; tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân; kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh và chấm dứt hợp đồng trong quá trình thực hiện; đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện; hướng dẫn một số nội dung về xây dựng dự toán, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình KH&CN cấp quốc gia cho cả giai đoạn tới.