Covid-19 xuất hiện buộc con người phải thay đổi nếu muốn thích nghi với cuộc sống. Trong đó, văn hóa đi du ngoạn, tận hưởng phút giây thư giãn của con người cũng theo đó mà cũng đổi thay.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tại nhiều quốc gia việc đi lại trong phố còn bị hạn chế nói gì đến việc xách vali “lên rừng xuống biển”. Nhiều nơi khác quy trình du lịch trở nên khó nhằn vô cùng với nhiều bước kiểm tra hơn, để đảm bảo bệnh truyền nhiễm không thể lây lan.
Nếu có dịp đi đâu đó trong năm nay, mọi người sẽ dễ dàng nhận ra nhiệt kế hồng ngoại được lắp đặt ở các sân bay. Tuy nhiên, loại máy đo thân nhiệt này tưởng chừng hữu ích, lại không lý tưởng khi nhiệt độ con người tăng cao không chỉ do mỗi virus corona, mà có thể chỉ là cơn sốt cảm cúm thông thường. Ngược lại, người mắc Covid-19 ở giai đoạn đầu cũng không bộc lộ triệu chứng để máy có thể nhận ra.
Từ những thực tế khó khăn này, các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới ứng dụng công nghệ để tạo ra nhiều giải pháp sáng tạo, giúp việc đi lại dễ dàng và an toàn hơn.
“Bắt” vius corona bằng công nghệ nano
Để phát hiện sớm người mang mầm bệnh, người ta phải kiểm tra các hạt mang virus corona trong hơi thở. Đây là lúc sử dụng đến máy kiểm tra hơi thở tại phòng thí nghiệm quang tử của Gabby Sarusi, giáo sư Đại học Ben-Gurion (Israel). Là một nhà vật lý, ông Sarusi nhận thấy SARS-CoV-2 không phải là một tác nhân sinh học mà là một hạt có kích thước nano có thể được cảm nhận bằng thiết bị điện chuyên dụng.
Giáo sư Gabby Sarusi với thiết bị “bắt” virus gây Covid-19 bằng công nghệ nano.
Vì vậy, các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm đã dùng một viên nang chứa chip có thể phản ứng lại với mầm bệnh rồi đo bằng một quang phổ kế được bức xạ bằng sóng từ trường. Ông Sarusi cho biết: “Nếu các hạt virus corona hiện hữu, chúng ta có thể cảm nhận được sự thay đổi bước sóng.”
Nhóm nghiên cứu của ông đã thực hiện so sánh hiệu quả giữa công nghệ mới này với những chiếc máy hồng ngoại đo nhiệt độ thông thường trên 150 bệnh nhân mắc Covid-19, kết quả cho ra vô cùng khả quan với độ chính xác tới 92%. Tuy nhiên, còn có nhiều yếu tố ảnh hưởng khác mà nhóm muốn nghiên cứu thêm trước khi trình lên Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để đưa vào sản xuất đại trà.
Khai báo y tế bằng miếng dán chìm trong da
Mỗi lúc một đại dịch đến, điều khiến người dân mong mỏi nhất chính là việc tìm ra loại vaccine thích hợp. Khi Nga tuyên bố đã sản xuất lô vaccine đầu tiên phòng ngừa Covid-19, không chỉ người dân nước họ mà toàn thế giới đều thấy vui mừng vì biết được dịch bệnh có thể sẽ bị đánh bại.
Miếng dán của MIT được dán chìm vào da giúp scan dữ liệu y tế khi cần. Ảnh: Second Bay Studios.
Còn điều gì có thể tuyệt vời hơn nữa, khi dữ liệu tiêm chủng có thể được lưu giữ ngay dưới da của mình. Như vậy, đến nhà ga, sân bay hay tại các địa điểm công cộng đông đúc, người có mã có thể hạn chế việc trình visa hay giấy tờ tiêm chủng cho nhân viên an ninh. Thay vì vậy, máy quét sẽ dùng hồng ngoại để đọc thông tin đã được “khắc” ở da trước đó.
Công nghệ này không phải chỉ có trong phim viễn tưởng mà đã tồn tại và từng được thí nghiệm trên động vật cũng như lớp tế bào da chết ở người. Nhà nghiên cứu Ana Jaklenec tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho biết, bằng việc sử dụng các miếng dán vi kim, các nhà khoa học có thể đưa cả vaccine và một tia mực vô hình vào dưới da, nhờ vậy lưu trữ hồ sơ tiêm chủng.
“Không đau đớn, không xâm lấn, không để lại sẹo, công nghệ này còn cho phép những chiếc máy quét đơn giản, thậm chí là điện thoại thông minh đọc được dữ liệu trên da,” Jaklenec chia sẻ về công nghệ của mình.
Nước sát khuẩn có thể “gây nghiện”
Du khách đôi khi rất khó chịu với sản phẩm khử trùng mà nhân viên tại sân bay xịt lên hành lý của họ, mùi hương rất khó ngửi và còn làm trầm trọng thêm cơn đau đầu mệt mỏi vì jetlag. Loại khử trùng của Veles thân thiện môi trường sẽ thay đổi cuộc chơi, là cứu tinh cho hai vấn đề này, chúng vừa thơm lại vừa giúp du khách tỉnh táo.
Dung dịch sát khuẩn vừa thơm, vừa giúp tỉnh táo, lại được làm từ phế phẩm nông nghiệp.
Được phát triển bởi Amanda Weeks, Veles làm ra từ chất thải thực phẩm được lên men tương tự như quy trình sản xuất bia, rượu. Weeks đã mở một nhà máy lọc sinh học thí điểm vào năm 2018, cho biết: “Việc này cũng giống như sản xuất kombucha hoặc bia, nhằm mục đích giảm lượng thực phẩm thối rữa cũng như khí nhà kính mà nó thải ra.”
Hiện Veles được định danh là chất tẩy rửa gia dụng chứ không phải chất khử trùng vì Weeks chưa vượt qua các bài kiểm tra theo yêu cầu của EPA (chất tẩy rửa tiêu diệt vi sinh vật nên chúng được coi là thuốc trừ sâu và phải được EPA chấp thuận). Nhưng sắp tới, công nghệ này sẽ được cải tiến để phù hợp với bộ tiêu chuẩn, từ đó ra mắt thị trường.
Làm sạch hết máy bay trong tích tắc
Cả chiếc máy bay to lớn sẽ được khử trùng nhanh chóng chỉ bởi GermFalcon. Đây là thiết bị làm sạch bằng ánh sáng cực tím nhỏ gọn, được chế tạo bởi hai cha con Arthur và Elliot Kreitenberg. Là một bác sĩ, Arthur Kreitenberg biết máy bay có thể trở thành “lò ấp virus” nhưng lại khó dọn dẹp vì lịch trình dày đặc, kích thước lớn và những ngóc ngách khó tiếp cận.
Thiết bị biết “sải cánh” phát tia UVC để diệt khuẩn tối ưu.
Các bệnh viện thường sử dụng đèn UVC để khử trùng bề mặt và dụng cụ, đây là tia cực tím gây hại được bầu khí quyển của Trái Đất lọc khi nhận từ vũ trụ và có khả năng phá hủy DNA của vi trùng. Vì vậy, nhóm nghiên cứu của hai cha con đã chế tạo một máy UVC có thể lăn qua các lối đi của máy bay, chiếu ánh sáng diệt vi trùng lên bàn, đệm ghế.
Với hình dáng giống xe đẩy và hai “cánh” trải dài trên các hàng ghế, GermFalcon thực sự trông giống như một con chim săn mồi, có thể khử trùng cả một chiếc Boeing 737 to lớn trong vòng chưa đầy năm phút. Thiết bị có thể diệt đến 99% virus cảm cúm và thậm chí là virus corona, dự định sẽ được ứng dụng vào cuối năm nay.
Ngoài khoang máy bay, “cỗ máy” này còn được ứng dụng ở nhiều khu vực khác như quầy check-in, khoang hành lý, sảnh chờ hay thậm chí là siêu thị, trường học, các nơi công cộng đông người ra vào.
Điện thoại bẩn hơn cả... bồn cầu
Các thiết bị làm sạch bằng tia cực tím trở nên phổ biến để khử trùng khách sạn, tàu du lịch, sân bay và taxi, vì vậy du khách không phải lo lắng về vi khuẩn trong không khí. Nhưng còn về thiết bị cá nhân thì sao? Chẳng hạn như chiếc điện thoại - một trong những vật dụng mất vệ sinh, chứa nhiều vi khuẩn nhất. Vì vậy, đây cũng là thứ cần phải được khử trùng thường xuyên.
Buồng khử khuẩn mini có thể mang theo khắp nơi để làm sạch điện thoại, tai nghe, thiết bị công nghệ nhỏ.
PhoneSoap: một buồng khử trùng UV thu nhỏ được thiết kế bởi hai người bạn thời đại học là Daniel Barnes và Wesley LaPorte. Công ty của bộ đôi có trụ sở tại Utah (Mỹ), đã phát triển ra hộp khử trùng UV di động có thể tiêu diệt 99,9% virus, vi khuẩn và nhiều vi sinh vật mang mầm bệnh nguy hiểm.
Ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu hoành hành vào tháng 3, nhu cầu tiêu dùng cho sản hộp khử trùng UV tăng đột biến. Vì tính tiện lợi và an toàn, người dùng có thể mang nó đi khắp nơi để bảo vệ bản thân và đồ dùng của mình khỏi bị lây nhiễm.
Thời điểm con người được giải thoát khỏi cách ly và dịch bệnh, du lịch có thể sẽ lăn bánh vào một ngã rẽ khác khi hành khách được tận hưởng những chuyến hành trình và không âu lo về mối đe dọa bệnh dịch. Nhưng ít ra, những công nghệ ra đời giữa căng thẳng Covid-19 ngay lúc này, sẽ phần nào giữ cho ngành công nghiệp tỷ đô sống sót, trở thành lực đẩy giúp cuộc sống sớm trở lại bình thường.
Nguồn: khampha.vn theo BBC Travel