Sáng ngày 30/12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học có nhiều đóng góp, cống hiến cho sự phát triển của đất nước.

Sáng 30/12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gặp mặt 200 trí thức, nhà khoa học có nhiều thành tích, đóng góp, đang hoạt động trong các ngành, lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng, giáo dục và đào tạo trên toàn quốc.

Cùng dự Hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; các Bí thư Trung ương Đảng: Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức quần chúng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo.

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu bày tỏ vui mừng, xúc động trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành trung ương; báo cáo những kết quả đạt được trong nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo của một số lĩnh vực quan trọng như y tế, nông nghiệp, công nghệ cao…; công tác thu hút, tập hợp và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, nhà khoa học.

Các đại biểu trí thức, nhà khoa học đã có những đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; xây dựng các cơ sở nghiên cứu và đào tạo đẳng cấp quốc tế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, phát triển các ngành, lĩnh vực công nghệ và công nghiệp chiến lược trong kỷ nguyên mới.

Cuộc gặp mặt cũng là diễn đàn ý nghĩa để lắng nghe những ý tưởng, đề xuất, giải pháp sáng tạo, góp phần đưa khoa học, công nghệ thực sự trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định thành quả cách mạng, đặc biệt là thành tựu vĩ đại đạt được của đất nước sau 40 năm đổi mới có đóng góp đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức, nhà khoa học.

Từ việc tham mưu mở đường cho đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế đã đưa Việt Nam thoát khỏi khủng khoảng kinh tế-xã hội, từng bước hội nhập vào nền kinh tế quốc tế, cung cấp cơ sở khoa học, đề xuất ý tưởng, phản biện xã hội, tổ chức thực thi, sáng tạo, tạo ra các ý tưởng, sáng chế, sản phẩm góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, để lại dấu ấn đậm nét về cống hiến, đóng góp của đội ngũ trí thức, nhà khoa học nước ta.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao và chúc mừng những thành tựu, kết quả mà đội ngũ trí thức, nhà khoa học nước ta đã đạt được trong các giai đoạn cách mạng của Đảng, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới đất nước.

Tổng Bí thư nêu rõ thế giới đang trong giai đoạn thay đổi có tính thời đại. Với thế và lực của đất nước sau 40 năm đổi mới, với thời cơ, vận hội mới, Đảng, Nhà nước, nhân dân đang kỳ vọng, mong chờ sự cống hiến, đóng góp ở quy mô, tầm mức mới, với những bứt phá mạnh mẽ của đội ngũ trí thức, nhà khoa học. Chỉ có khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo mới là con đường giúp chúng ta bắt kịp, tiến cùng, bứt phá và vượt lên chính chúng ta và thế giới.

Để đạt được yêu cầu này, Tổng Bí thư nhấn mạnh, về phía Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, cần đổi mới mạnh mẽ đào tạo, tuyển chọn, sử dụng, trọng dụng trí thức, nhà khoa học. Bảo đảm việc thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Ngay trong nửa đầu năm 2025 sẽ rà soát, đánh giá, ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức trong trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo nội dung Nghị quyết số 45 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII nêu trên.

Đồng thời, có các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm đổi mới mạnh mẽ tư duy, nâng cao, thống nhất nhận thức trong các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ trí thức trong tình hình mới, trước hết là người đứng đầu các ban, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp; bảo đảm “thượng tôn pháp luật,” xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng đội ngũ trí thức.

Ban Bí thư chỉ đạo các Ban đảng và các cơ quan liên quan tham mưu, điều phối bảo đảm thực hiện hiệu quả các nội dung này.

Tổng Bí thư đề nghị đội ngũ trí thức, nhà khoa học nỗ lực thực hiện cho được trách nhiệm, sứ mệnh của đội ngũ trí thức, nhà khoa học trong giai đoạn cách mạng mới, gia tăng mạnh mẽ đóng góp cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược, đưa nước ta đến năm 2045 là nước phát triển, có thu nhập cao, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Nghiên cứu, tập trung sớm triển khai Nghị quyết số 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị “Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” như một nguồn cảm hứng, một động năng mới, một miền đất mới, bầu trời mới cho sáng tạo của giới trí thức, nhà khoa học.

Tổng Bí thư mong muốn các trí thức, nhà khoa học phải là lực lượng nòng cốt, là những người có “phép thuật” để đưa Việt Nam đứng vào nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo; nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các cường quốc công nghệ vào năm 2030.

Đến năm 2045 Việt Nam là một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; có hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng ngang tầm các “đế chế công nghệ số.”

 

Tổng Bí thư chỉ rõ, đội ngũ trí thức, nhà khoa học cần ý thức sâu sắc trách nhiệm của trí thức, nhà khoa học trong giai đoạn cách mạng mới, trách nhiệm trong nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc; trách nhiệm tự đào tạo, bồi dưỡng, giúp đỡ thế hệ trí thức ngày nay tiến bộ, đào tạo thêm trí thức mới, đội ngũ kế cận, tiên phong tạo ra sản phẩm tinh thần, vật chất chất lượng cao cho xã hội, tham gia phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, tạo động lực mạnh mẽ cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần định hình tương lai nhân loại và văn minh toàn cầu.

Đội ngũ trí thức, nhà khoa học phải trung thực với nhân dân, với Nhà nước, trung thực với chính bản thân mình, nỗ lực phấn đấu, trung thực trong khoa học và sáng tạo bằng khả năng và vượt khả năng của mình, thậm chí “vượt lên trên chính mình” nhằm phục vụ nhân dân và vì sự phồn vinh của đất nước; biết phản biện và dám phản biện một cách khoa học, có căn cứ và có lý lẽ vững vàng mang tính xây dựng.

Tổng Bí thư đề nghị, không ngừng củng cố liên minh công nhân-nông dân-trí thức trong điều kiện mới và thu hút trí thức người Việt Nam sinh sống, làm việc ở nước ngoài, trí thức nước ngoài góp phần phát triển đất nước; tăng cường hợp tác với trí thức người Việt Nam sinh sống, làm việc ở nước ngoài, trí thức nước ngoài trong chuyển giao, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Tổng Bí thư yêu cầu, quan tâm giáo dục đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực chất lượng cao. Các nhà giáo trước hết phải là các nhà khoa học, nhà trí thức; có kế hoạch đào tạo các nhà khoa học hàng đầu ở các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực trọng yếu hiện nay như: Trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế số, lượng tử, y sinh học... khuyến khích các nhà khoa học tự do khám phá, nhất là ở những khoảng trống, hoang vu của khoa học.

Gắn kết chặt chẽ giữa các trung tâm khoa học, các viện nghiên cứu, nhà trường với các doanh nghiệp và ngược lại. Hoàn thiện luật và quy định về sở hữu trí tuệ, thành tựu đổi mới sáng tạo, những thành tựu đột phá trong lĩnh vực khoa học, công nghệ hiện đại.

Hoàn thiện thể chế, ứng xử nhất quán về phát triển khoa học công nghệ phù hợp cơ chế thị trường, thông lệ quốc tế, đặc thù của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; chấp nhận rủi ro và có độ trễ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

Để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc, Tổng Bí thư nhấn mạnh, hơn bao giờ hết, Đảng, Nhà nước, nhân dân đặt niềm tin tưởng và kỳ vọng rất lớn vào đội ngũ trí thức, nhà khoa học - những người tiên phong nòng cốt tạo ra sự đổi mới, bứt phá mạnh mẽ, tạo gia tốc cực đại cho mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, GS.TS Vũ Thị Thu Hà chia sẻ niềm vui của cộng đồng những người làm khoa học  khi Tổng bí thư ký ban hành  Nghị quyết Trung ương số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

  GS.TS Vũ Thị Thu Hà phát biểu tại buổi gặp mặt
  GS.TS Vũ Thị Thu Hà phát biểu tại buổi gặp mặt

Theo GS.TS Vũ Thị Thu Hà, chưa lúc nào đất nước ta cần động lực khoa học công nghệ như bây giờ. Mọi ngành, mọi lĩnh vực đều cần động lực đó để bứt phá.

"Cá nhân tôi được đào tạo khá bài bản từ lúc trẻ tại một quốc gia có nền KHCN phát triển, lại có 32 năm gắn bó trực tiếp với hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo, trong một môi trường “cận tới hạn”, tức là môi trường Tự chủ, tự chịu trách nhiệm ngay từ khi tổ chức được thành lập nên. Đến nay, chúng tôi đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển KHCN và ĐMST, tạo ra nhiều sản phẩm từ 100% nội lực Việt Nam, đã được ứng dụng trong sản xuất công nghiệp, tạo ra hiệu quả kinh tế xã hội và môi trường rõ rệt. Trong quá trình vận hành như vậy, chúng tôi cũng có được rất nhiều bài học thực tiễn".- GS.TS Vũ Thị Thu Hà nói.

Từ những thực tiễn đó, ở đây, GS.TS Vũ Thị Thu Hà đề cập tới một phần nhỏ trụ cột thứ ba và thứ tư trong quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết trung ương số 57: đó là nhanh chóng thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 57 để đi vào thực tiễn, theo hướng có thể giải phóng được 100% nội lực KHCN và ĐMST quốc gia, từ đó tối đa hóa giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị sản phẩm nhờ KHCN và ĐMST, mở ra cơ hội tham gia bình đẳng vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra dư địa mới cho tăng trưởng kinh tế, đảm bảo môi trường bền vững.

Để phần nào khơi thông nguồn nội lực KHCN và ĐMST quốc gia, GS.TS Vũ Thị Thu Hà đưa ra những đề xuất:

Thứ nhất, trong quá trình thể chế hóa, luôn luôn phải tính đến những đặc thù của hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ, đặc thù của những con người làm KHCN. Và vì chúng ta cần một chính sách “thực chiến”, nhằm thúc đẩy/giám sát các hoạt động KHCN “thực chiến” nên cần đổi mới từ qui hoạch cho từng ngành từng lĩnh vực cụ thể, cho tới cơ chế tài chính đặc thù để tạo động lực phát triển và đổi mới sáng tạo. Các nhà khoa học đều mong muốn có được các chính sách tạo ra động lực để đam mê và cống hiến hết mình. Ngay cả khi đã có được điều đó thì trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cũng sẽ còn gặp những “ma trận” những khó khăn khách quan, nên những nhà quản lý KHCN hãy thực sự thấu hiểu, đồng hành, tháo gỡ bằng những biện pháp khả thi.

Thứ hai, đối với một số lĩnh vực KHCN phù hợp (có thể không phải là tất cả các ngành, các lĩnh vực), cần mạnh dạn thực hiện cơ chế “Quỹ” và áp dụng hình thức “Khoán đến sản phẩm cuối cùng”giảm bớt mọi thủ tục trung gian trong khi vẫn đảm bảo quản lý hiệu quả và khoa học về tài chính – HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU 100% NĂNG LỰC VÀ NĂNG LƯỢNG CỦA NHÀ KHOA HỌC DÀNH CHO HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN. Chính điều này sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển KHCN và ĐMST.

Thứ ba, sớm đề ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong VÙNG ĐỆM – HOÀN THIỆN CÔNG NGHỆ, SẢN PHẨM, THƯƠNG MẠI HÓA THỬ NGHIỆM. Cụ thể là phải tạo môi trường sao cho nhà nước và doanh nghiệp đặt những đề bài “thực chiến” “thiết thực” “đổi mới sáng tạo” và nhà khoa học/tổ chức khoa học nhận đặt hàng thì đủ “công cụ”, “đủ tài chính” “hành lang thông thoáng” để làm đến cùng, làm “thực chiến”. Nói khác đi, đó chính là đầu tư có trọng tâm và đầu tư đến “ngưỡng”, tạo động lực quan trọng vượt qua “điểm nghẽn” trên con đường đi từ phòng thí nghiệm tới nhà máy.

Cuối cùng, về các đề xuất trong phát triển KHCN đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, cần ưu tiên các hướng nghiên cứu về tiết kiệm tài nguyên và năng lượng. Cụ thể, trong bối cảnh nền kinh tế-xã hội phát triển nhu cầu vật liệu và năng lượng tăng cao trong khi tài nguyên hóa thạch và khoáng sản đang dần cạn kiệt và suy giảm chất lượng, cần chú trọng ưu tiên phát triển các quá trình chế biến sâu, mang lại giá trị gia tăng cao. Đồng thời, cần chú trọng phát triển nguồn tài nguyên tái tạo và các công nghệ chế biến sâu đi kèm. Cần hiểu biết sâu sắc lợi thế đặc thù về nguồn nguyên liệu của Việt Nam trước các nhu cầu về vật liệu trên thế giới để có những chính sách thúc đẩy nhanh chóng quá trình chế biến sâu, trước khi những nguồn lợi đó bị thất thoát hoặc giảm tính cạnh tranh.

Tổng Bí thư Tô Lâm chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Hội Nữ trí thức Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Tô Lâm chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Hội Nữ trí thức Việt Nam. Ảnh: TTXVN
 
 

                                                               Nguồn: Tạp chí Phụ nữ Mới