Hầu hết người Việt Nam đều có thói quen dùng ớt trong các món ăn, vì ớt là một loại gia vị rất thông dụng, nó tạo ra vị cay hấp dẫn. Ớt là một loại quả thuộc họ Cà có tên khoa học là Solanaceae, được trồng khắp nơi trên thế giới, một trong những gia vị phổ biến nhất trên thế giới và không thể thiếu trong các món ăn của các gia đình người Việt Nam.

 

Trái ớt chứa nhiều vitamin và khoáng chất: vitamin E, A, K, B1, B2, beta-carotein, canxi, sắt, magiê, phốt pho, kẽm, đồng... Đặc biệt lượng vitamin C trong ớt rất cao, là nguồn bổ sung hữu hiệu cho những người hệ miễn dịch kém, thiếu vitamin C. Hàm lượng các hoạt chất tự nhiên chứa trong ớt có khả năng tác động tích cực đến glucose và các hoá chất khác của não bộ, giúp giấc ngủ tới nhanh và sâu hơn. Vị cay đặc trưng của ớt kích thích tuyến nước bọt tiết ra nhiều nước bọt, giúp cho việc tiêu hóa được dễ dàng hơn. Ngoài ra, ớt có khả năng kích thích tim đập nhanh, máu tuần hoàn nhanh, có lợi cho tim.

Bác sĩ Huỳnh Hoài Phương, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi Tiêu hóa - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết, ớt không phải tác nhân gây viêm loét dạ dày. Chất capsaicin có trong ớt đã được chứng minh là có khả năng ức chế vi khuẩn helicobacter pylori - nguyên nhân phổ biến gây ra vết loét dạ dày. Capsaicin trong ớt còn có lợi cho người bệnh ung thư dạ dày và ung thư tuyến tiền liệt, có khả năng tấn công trung tâm năng lượng của các tế bào ung thư, qua đó, hỗ trợ tiêu diệt tế bào ác tính. Chất capsaicin gây nóng khi tiếp xúc. Nếu bạn ăn ớt ở một lượng vừa phải ví dụ như người trưởng thành chỉ nên ăn không quá một quả ớt cỡ vừa hoặc 1-2 ngày một lần ăn (khoảng 10 gram), dạ dày vẫn có khả năng tự bảo vệ.

Tuy nhiên, thói quen sử dụng đồ ăn cay quá mức có thể mang lại những tác hại không ngờ cho sức khoẻ. Chất capsaicin trong ớt khi nạp quá nhiều có thể gây rối loạn tiêu hóa, dẫn tới tình trạng tiêu chảy. Ớt có thể giúp phòng ngừa ung thư dạ dày nhưng người bệnh viêm loét dạ dày lại không nên dùng. Vì gia vị này có thể làm triệu chứng bệnh trầm trọng hơn. Vị cay trong ớt có khả năng kháng khuẩn mạnh nên sẽ làm những vết thương bị phỏng nặng khi tiếp xúc. Khi sơ chế ớt nếu không cẩn thận, bạn có thể bị phỏng da.

Chuyên gia dinh dưỡng Celine Beitchman: “Thức ăn cay có thể dẫn đến trào ngược ở đường tiêu hóa trên. Một số bằng chứng cho thấy ăn đồ cay nhiều lần trong tuần làm tăng các biểu hiện của hội chứng ruột kích thích”. Vì vậy, nếu bị viêm loét đại tràng, trào ngược axit, hội chứng ruột kích thích hoặc các bệnh đường tiêu hóa, bạn cần lưu ý, thức ăn cay có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng do kích thích niêm mạc dạ dày.

Việc ăn cay quá mức cũng gây ra một số tác hại như: Gây mất ngủ do vị cay khiến cho nhiệt độ cơ thể tăng lên, ảnh hưởng nghiêm trọng tới giấc ngủ trong ngày; Mất cảm giác ngon miệng với thực phẩm tự nhiên, người thường xuyên sử dụng ớt hay đồ ăn cay quá mức trong bữa ăn hàng ngày có thể khiến cho vị giác của lưỡi quá tải. Điều này dẫn đến việc khả năng tiếp nhận các chất trong thực phẩm bị ảnh hưởng, thậm chí làm mất cả khả năng phân biệt vị; Gây nóng trong người, gây nổi mụn: Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, việc sử dụng nhiều ớt và gia vị cay với tần suất thường xuyên cùng với mức độ cay nhiều có thể gây nên tình trạng loét miệng hoặc nổi mụn nhọt, nóng rát ở hậu môn cũng như các cơ quan khác... Thực phẩm cay nóng có tính hút ẩm, do đó sẽ khiến cho làn da trở nên thô ráp. Đồng thời, hợp chất cay nóng còn gây kích thích làn da khiến cho da dễ bị nổi mụn hơn; Không tốt cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai và cho con bú: Đối với phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai ăn đồ cay nhiều có thể gây nên các bệnh dị ứng cho trẻ sau này hoặc khi trẻ sinh ra dễ bị rôm sảy, nóng trong người. Với các bà mẹ đang trong thời gian cho con bú, nồng độ chất cay có thể đi qua sữa và ảnh hưởng đến trẻ. Mặt khác, phụ nữ thời gian mới sinh ăn quá nhiều chất cay cũng gây nên tình trạng nóng trong, khó ngủ, ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ.