Khám phá này được thực hiện nhờ các phân tích trong các chuyến thám hiểm Đại dương Tara (Tara Oceans).
Tạp chí Science cho biết, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra 5.500 loài virus mới. Tất cả đều được xác định bằng cách phân tích 35.000 mẫu nước lấy từ các vùng biển trên khắp thế giới trong các chuyến thám hiểm Đại dương Tara. Các nhà nghiên cứu giải thích trên tạp chí Science: "Ngoài vai trò của chúng trong các bệnh truyền nhiễm ở người, chúng ta hiểu tương đối ít về các loại virus RNA”.
Tara Oceans, được ví như Phòng thí nghiệm nổi, đã thực hiện sứ mệnh khám phá các đại dương để hiểu rõ hơn về sinh vật biển. Chiếc thuyền buồm của Pháp này đã phân tích chính xác vai trò của virus được tạo thành từ RNA trong các hệ sinh thái biển. Sau phát hiện này, các nhà nghiên cứu buộc phải tạo ra các cấp độ phân loại mới vì năm cấp bậc phân loại virus RNA hiện có không còn đủ nữa. Đây là năm nhánh mới: "Taraviricota", "Pomiviricota", "Paraxenoviricota", "Wamoviricota" và "Arctiviricota".
Các nhà nghiên cứu ước tính rằng có gần một tỷ virus RNA hiện diện trong các đại dương. Sau này sẽ có thể điều chỉnh các hệ sinh thái biển bằng cách ngăn chặn một sinh vật xâm chiếm những sinh vật khác bằng cách lây nhiễm cho chúng. Ngoài ra, các nhà khoa học giải thích rằng những vi rút này sẽ hứa hẹn giải quyết vấn đề carbon có trong đại dương và là một cách tiếp cận để hiểu rõ hơn về hiện tượng Trái đất nóng lên. Do đó, làm sáng tỏ thêm thông tin về tính đa dạng của virus trên thực vật và trong các đại dương trên thế giới có thể giúp hiểu rõ hơn về vai trò của vi sinh vật biển trong thích ứng với biến đổi khí hậu của đại dương. Các vi sinh vật biển này là "nút” trên một máy bơm sinh học có ảnh hưởng đến cách lưu trữ carbon trong các đại dương, vì các khối nước lớn bao phủ hầu hết Trái đất hấp thụ một nửa lượng CO2 trong khí quyển mà hoạt động của con người tạo ra. Hệ thống phân loại virus tiếp tục phát triển khi các nhà khoa học cố gắng tìm hiểu vai trò của virus trong các hệ sinh thái đại dương.