Lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Toronto, Đại học Indiana và Đại học Notre Dame đã phát hiện ra hóa chất PFAS độc hại có trong túi giấy đựng đồ ăn nhanh ở Canada. Hóa chất này, được gọi là chất per- và polyfluoroalkyl, đã được tìm thấy trong túi giấy chống nước và hút dầu thay thế cho túi nhựa. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Environmental Science and Technology Letters.
Theo nghiên cứu, túi đựng đồ ăn là xúc tác khiến con người tiếp xúc với PFAS, hóa chất nguy hại làm tăng nguy cơ ung thư và ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch của con người. Ngoài ra, túi đựng đồ ăn khi được vứt bỏ, sẽ gây phát thải PFAS vào môi trường. Ở trong môi trường, hóa chất khó phân hủy này không bao giờ bị phân hủy. Để ứng phó với những nguy cơ mà PFAS có thể tác động đến sức khỏe con người và hệ sinh thái, 11 tiểu bang của Hoa Kỳ đã cấm sử dụng PFAS trong phần lớn các loại túi đựng thực phẩm và hai chuỗi nhà hàng tiên phong đã cam kết loại bỏ PFAS khỏi hoạt động của họ vào năm 2025.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã thu gom 42 túi và bát giấy tại các nhà hàng bán đồ ăn nhanh ở Toronto và tiến hành kiểm tra để xác định tổng hàm lượng flo, một chỉ số của PFAS. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành phân tích chi tiết 8 trong số các mẫu có tổng hàm lượng flo cao. Bát đúc làm từ sợi, được bán trên thị trường và được cho là “có thể phân hủy”, chứa mức PFAS cao hơn từ 3 đến 10 lần so với túi đựng bánh rán và bánh ngọt. PFAS được bổ sung vào các loại bát và túi giấy này để tăng tác dụng chống nước và thấm hút dầu mỡ.
PFAS là một nhóm phức hợp gồm khoảng 9.000 hóa chất được sản xuất, trong đó, một vài hóa chất đã được nghiên cứu độc tính. Hợp chất PFAS độc hại được phát hiện phổ biến nhất trong các mẫu này là hợp chất 6:2 FTOH (rượu fluorotelomer 6:2). Các PFAS khác thường được phát hiện trong tất cả loại túi đựng đồ ăn nhanh ở Canada được thu gom trong thử nghiệm, có thể biến đổi thành hợp chất 6:2 FTOH, do đó làm tăng khả năng người tiêu dùng tiếp xúc với hóa chất này. Bên cạnh đó, một số PFAS lần đầu tiên được tìm thấy trong túi đựng thực phẩm, nên khó theo dõi sự hiện diện của chúng.
Điểm quan trọng là nồng độ PFAS được phát hiện, giảm đến 85% sau khi túi được sử dụng để bảo quản sản phẩm trong hai năm, trái ngược với tuyên bố rằng PFAS polyme bao gồm các phân tử lớn hơn, không phân rã và thoát ra khỏi sản phẩm. PFAS giải phóng từ bao bì thực phẩm vào không khí trong nhà, mở ra một cơ hội khác cho con người tiếp xúc với hóa chất này. Vì thế, các nhà nghiên cứu cho rằng cần tăng cường các quy định cấm dùng PFAS trong túi đựng thực phẩm và đẩy mạnh sử dụng túi đựng thực phẩm làm từ sợi không chứa PFAS.