Các nhà nghiên cứu tại Đại học East Anglia (UEA) ở Anh và Đại học Đại dương Trung Quốc (OUC) đã phát hiện ra một loại tảo đại dương phổ biến, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một hợp chất dồi dào giúp làm mát khí hậu Trái đất. Phát hiện nghiên cứu có thể làm thay đổi hiểu biết về cách những sinh vật biển nhỏ bé tác động đến hành tinh của chúng ta.

 

Nhóm nghiên cứu đã xác định loài tảo Pelagophyceae nở hoa có tiềm năng phong phú và quan trọng trong việc sản sinh hợp chất có tên là dimethylsulfoniopropionate hay DMSP.

GS. Jonathan Todd, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Peleagophyceae là một trong những loài tảo phong phú nhất trên Trái đất, nhưng trước đây chúng không được biết đến về khả năng sản xuất DMSP quan trọng. Khám phá này rất thú vị vì DMSP là hợp chất dồi dào có tác dụng chống stress, là nguồn thức ăn cho các vi sinh vật khác và cũng là nguồn chính cung cấp khí làm mát khí hậu”.

Mỗi năm, hàng tỷ tấn DMSP do các vi sinh vật biển tạo ra trong các đại dương trên Trái đất, giúp chúng tồn tại bằng cách bảo vệ khỏi các áp lực khác nhau như thay đổi độ mặn, nhiệt độ lạnh, áp suất cao và stress oxy hóa. Quan trọng, DMSP là nguồn chính thải ra một loại khí được gọi là dimethylsulfide (DMS).

Nghiên cứu nêu rõ việc sản xuất DMSP và sau đó tạo ra DMS, có thể cao hơn dự đoán trước đây và nhấn mạnh vai trò chính của các vi khuẩn trong việc điều hòa khí hậu toàn cầu. DMS cũng hoạt động như một phân tử truyền tín hiệu, hướng dẫn các sinh vật biển tìm thức ăn và ngăn chặn những kẻ săn mồi. Khi DMS được thải vào khí quyển, các sản phẩm oxy hóa DMS giúp hình thành các đám mây phản xạ ánh nắng mặt trời khỏi Trái đất, làm mát hành tinh theo cách hiệu quả. Quá trình tự nhiên này rất cần thiết để điều hòa khí hậu Trái đất và cũng cực kỳ quan trọng đối với chu trình lưu huỳnh toàn cầu, con đường chính đưa lưu huỳnh từ đại dương quay trở lại đất liền.

Tuy nhiên, cần nghiên cứu sâu hơn về tảo Pelagophyceae trong môi trường tự nhiên của chúng cũng như các nghiên cứu chi tiết hơn về những sinh vật biển khác. Việc đo lường mức độ DMSP trong môi trường, tỷ lệ sản xuất và phân hủy cũng như lượng enzyme tham gia sản sinh DMSP cũng rất quan trọng để phát triển hơn nữa lĩnh vực này.

Nguồn:từ trang web:vista.gov.vn.của cục thông tin KH&CN.quốc gia