“Phụ nữ có tiếng nói quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống, đặc biệt lĩnh vực KH&CN với những chủ đề như môi trường, phát triển bền vững, bình đẳng giới, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo”.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng khẳng định tại Hội nghị Mạng lưới các Nhà khoa học nữ châu Á - Thái Bình Dương (APNN) lần thứ 8 với chủ đề “Nữ khoa học vì sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên số” do Hội LHPN Việt Nam và Hội Nữ trí thức Việt Nam phối hợp tổ chức từ ngày 18 - 20/10/2018 tại Hà Nội. Đây là hoạt động thường niên nhằm tạo điều kiện cho các thành viên APNN trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp nâng cao năng lực và vai trò của các nhà khoa học nữ trong phát triển kinh tế-xã hội.
Hội nghị năm nay cũng là cơ hội để phụ nữ Việt Nam mở rộng hợp tác, đóng góp cho những hoạt động chung của APNN và quá trình hội nhập quốc tế của đất nước, đồng thời giới thiệu, quảng bá đất nước, con người và văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội nghị

Thứ trưởng Trần Văn Tùng đánh giá cao mục tiêu của APNN trong việc thúc đẩy vai trò của các nhà khoa học nữ, các nữ kỹ sư, bởi “phụ nữ có tiếng nói quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống, đặc biệt lĩnh vực KH&CN với những chủ đề như môi trường, phát triển bền vững, bình đẳng giới, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo”. Thứ trưởng nhận định, Việt Nam có nhiều nhà khoa học nữ xuất sắc như TS. Trần Hà Liên Phương, TS. Nguyễn Thị Hiệp đã được nhận Giải thưởng quốc tế dành cho “Nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới” do Quỹ L’Oréal-UNESCO trao tặng năm 2015, 2018. Hay như  PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch tập đoàn Sơn KOVA nổi tiếng nhờ nghiên cứu, sản xuất ra nhiều loại sơn ứng dụng trong công nghiệp xây dựng, thương hiệu Kova và trở thành doanh nghiệp lớn có nhà máy hoạt động tại thị trường Singapore, Malaysia, Campuchia… Đây là những tấm gương điển hình của các nhà khoa học nữ.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ ra rằng, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phụ nữ là một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, dễ bị bỏ lại phía sau. Vì thế, vai trò của các nhà khoa học nữ là vô cùng quan trọng. Ngoài việc trực tiếp đóng góp cho hoạt động nghiên cứu và triển khai, các chị là những tấm gương khuyến khích cho các em gái học các môn STEM nhằm thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ mang lại thách thức mà còn mở ra cơ hội cho các em gái, khi những công việc đòi hỏi trí tuệ và đổi mới sáng tạo là xu thế và những công việc cần sức nặng cơ bắp được dần thay thế bởi các robot.
“Chúng tôi tin tưởng Hội nghị APNN sẽ thảo luận, trao đổi kinh nghiệm các nước trong khu vực về cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà khoa học nữ tham gia vào các ngành, lĩnh vực của cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hợp quốc đã đề ra, đồng thời đề xuất được những sáng kiến hay, những giải pháp có tính khả thi cao để Chính phủ các quốc gia trong khu vực có thể thể chế hóa thành các quy định, tạo thành môi trường thuận lợi cho phụ nữ phát huy mọi tiềm năng của mình”.
Cùng quan điểm với Thứ trưởng Trần Văn Tùng, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh, Hội nghị APNN-INWES 2018 tiếp tục là cơ hội để phụ nữ khu vực Châu Á -Thái Bình Dương trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp và nâng cao năng lực trong phát triển kinh tế-xã hội. “Thế giới đang đứng trước một cuộc cách mạng có thể làm thay đổi cơ bản cách con người sống và làm việc, tương tác với nhau. Cuộc cách mạng công nghiêp 4.0 sẽ tạo nhiều cơ hội cho các quốc gia nhưng cũng đồng thời đặt ra không ít thách thức. Trong bối cảnh đó, các nhà khoa học đặc biệt là khoa học nữ giữ một vai trò hết sức quan trọng, góp phần quyết định vào sự phát triển toàn diện, bền vững của mỗi quốc gia, của khu vực và toàn cầu”, PGS. Hà nhấn mạnh.
Bà Gail Mattison, Chủ tịch Mạng lưới quốc tế các nhà khoa học nữ và kỹ thuật (INWES) đánh giá cao công tác tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam và cho biết, đây là Hội nghị có số đại biểu tham gia đông nhất từ trước đến nay. INWES là tổ chức các mạng lưới các nhà khoa học nữ, đại diện diện hơn 250.000 phụ nữ đến từ 62 quốc gia, có mục tiêu xây dựng một tương lai tươi sáng trên toàn thế giới qua việc tham gia đầy đủ của nữ giới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và toán học.  Bà Gail hy vọng các đại biểu sẽ chia sẻ kinh nghiệm, khuyến khích một thế hệ phụ nữ mới tham gia, để họ trở thành chuyên gia, lãnh đạo, doanh nhân, đại sứ... vì sự hội nhập toàn cầu.
Trong 3 ngày diễn ra Hội nghị (từ ngày 18-20/10), các đại biểu sẽ nghe báo cáo của các thành viên APNN đến từ Bangladesh, Ấn Độ, Nhật Bản. Hàn Quốc, Malaysia, Mông Cổ, Nepal, New Zealand, Sri Lanka, Đài Bắc (Trung Hoa) và Việt Nam; tham gia 3 hội thảo chuyên đề về “Giới và Bình đẳng giới trong KH&CN trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”, “Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm” và Giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu”.


Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm Phụ nữ trong Khoa học và Sáng tạo.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng và Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan tham quan triển lãm

Hội nghị là dịp để các nhà khoa học nữ Châu Á- Thái Bình Dương thảo luận, trao đổi kinh nghiệm các nước trong khu vực về cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà khoa học nữ tham gia vào các ngành, lĩnh vực của cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hợp quốc đã đề ra. Đồng thời, đề xuất được những sáng kiến hay, những giải pháp có tính khả thi cao để Chính phủ các quốc gia trong khu vực có thể thể chế hóa thành các quy định, tạo thành môi trường thuận lợi cho phụ nữ phát huy mọi tiềm năng của mình. Đặc biệt, trong ngày 19/10, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Hà Nội nhằm thể hiện tầm nhìn và quyết tâm mạnh mẽ của các thành viên APNN trong việc thúc đẩy sự tham gia, đóng góp của phụ nữ đối với sự phát triển KH&CN.