Các nhà khoa học Anh đã đưa ra một phương pháp mới dễ dàng xác định nước ở dạng lỏng, dấu hiệu về khả năng có sự sống trên các hành tinh khác.
Quá trình này liên quan đến việc đo lượng CO2 trong bầu khí quyển của một hành tinh và so sánh các kết quả đó với kết quả đo được từ các hành tinh lân cận. Theo các nhà nghiên cứu, nếu một hành tinh có lượng CO2 trong khí quyển thấp hơn các hành tinh lân cận, thì trên bề mặt hành tinh đó có nước ở dạng lỏng.
Về lý thuyết, CO2 trong khí quyển của hành tinh đang bị hòa tan vào đại dương giống như Trái đất hoặc được hấp thụ bởi sinh khối trong hành tinh đó. Tuy nhiên, đến nay, chưa có phương pháp thực tế nào để phát hiện sự hiện diện của nước ở dạng lỏng.
Gần đây, các nhà khoa học đã xác định được sự xuất hiện của chất lỏng trên bề mặt hành tinh dựa vào ánh sáng lấp lánh của nước (là do ánh sáng từ ngôi sao phản chiếu trên mặt nước) nhưng độ sáng lại quá yếu để các đài quan sát có thể phát hiện. Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học Anh đã dựa vào một “dấu hiệu mới về khả năng có sự sống” để biết một hành tinh có thể giữ lại nước lỏng trên bề mặt của nó hay không.
GS. Amaury Triaud tại trường Đại học Birmingham và là đồng tác giả nghiên cứu, cho rằng: “Việc đo lượng CO2 trong bầu khí quyển của một hành tinh khá dễ dàng vì CO2 là chất hấp thụ mạnh tia hồng ngoại, đặc trưng này gây ra hiện tượng nhiệt độ tăng trên Trái đất hiện nay. Bằng cách so sánh lượng CO2 trong khí quyển của các hành tinh khác nhau, chúng tôi có thể sử dụng dấu hiệu mới về khả năng có sự sống để xác định xem những hành tinh đó có sự xuất hiện của đại dương hỗ trợ sự sống hay không”. Nhóm nghiên cứu cho rằng dấu hiệu về khả năng có sự sống của một hành tinh cũng có thể giúp xác định các dấu hiệu sự sống trên hành tinh khác.
Phương pháp mới ngoài khả năng xác định sự sống trên hành tinh, còn có thể được sử dụng để cung cấp thêm những hiểu biết sâu sắc hơn về các “điểm tới hạn” của môi trường. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature Astronomy
Nguồn Từ trang web:vista.gov.vn.của cục thông tin KH&CN quốc gia