Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã đưa ra phương pháp mới sản xuất điện từ sóng biển. Trong bài báo đăng trên tạp chí One Earth, nhóm nghiên cứu đã mô tả phương thức hoạt động của thiết bị mới và ưu điểm của nó so với các thiết bị khác sản xuất điện từ năng lượng sóng.

 

Trong vài năm qua, năng lượng mặt trời, địa nhiệt và năng lượng gió đã phát triển mạnh mẽ như các nguồn năng lượng thay thế, nhưng năng lượng sóng lại bị tụt hậu. Các nhà khoa học nhận thấy các đại dương và hồ lớn trên thế giới có thể được sử dụng để sản xuất điện. Tuy nhiên, đến nay, những nỗ lực này đã không được chứng minh là hiệu quả về mặt chi phí. Các hệ thống hiện nay thường sử dụng tác động của sóng để đẩy nam châm qua các cuộn dây, nên rất cồng kềnh và tốn kém, chưa kể là không hiệu quả. Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học Trung Quốc đã đưa ra cách tiếp cận mới sử dụng sóng để tạo ra hiện tượng tĩnh điện.

Các nhà nghiên cứu khác đã cố gắng thiết kế các thiết bị tạo ra tĩnh điện bằng cách sử dụng các loại chuyển động khác như quần áo, ba lô hoặc thậm chí là tất. Nhưng đến nay, không có sản phẩm nào dựa vào cách tiếp cận này được đưa ra thị trường. Vì thế, các nhà khoa học Trung Quốc đang xem xét một thiết bị lớn hơn nhiều mô phỏng loài rắn anaconda.

Với phương pháp mới, các nhà khoa học đã chế tạo nhiều máy phát điện nano nhỏ và cho nổi trên bề mặt đại dương. Mỗi bộ phát điện nano được liên kết với nhau bằng đầu nối linh hoạt. Hiện tượng tĩnh điện được tạo ra bởi tất cả các máy phát nano, sau đó, được gộp lại để khai thác và sử dụng làm nguồn điện.

Kết quả thử nghiệm ý tưởng cho thấy khả năng tạo ra công suất 347W/m3, cao hơn khoảng 30 lần so với các thiết kế khác thu điện từ sóng. Tuy nhiên, hệ thống mới cần được nghiên cứu thêm trước khi đưa vào sử dụng thương mại. Chẳng hạn như nghiên cứu cách giữ cho các cuộn dây không bị mòn đi.