Các vết thương ngoài da mãn tính do bệnh tiểu đường nổi tiếng là chậm lành, đôi khi còn bị nhiễm trùng đến mức phải sẽ phải cắt cụt chi. Một loại polymer mới được xác định có thể giúp ngăn điều đó xảy ra, bằng cách thúc đẩy triệt để quá trình chữa lành bệnh.

 

Trong một nghiên cứu được thực hiện tại Trường Đại học Nottingham, một nhóm các nhà khoa học do Giáo sư Amir Ghaemmaghami đứng đầu đã bắt đầu thực hiện nghiên cứu bằng cách sàng lọc 315 polyme khác nhau, phân tích thành phần hóa học của từng loại. Các nhà khoa học đã tìm kiếm các polyme thúc đẩy hoạt động của các tế bào miễn dịch và nguyên bào sợi, các tế bào góp phần hình thành mô liên kết.

Cuối cùng, họ đã phát hiện ra một loại polyme tương thích sinh học có hiệu quả cao nhất có tên gọi là poly (tetrahydrofurfuryl methacrylate) - viết tắt là pTHFuA.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành tạo ra các vi hạt được bọc phủ bởi pTHFuA, được áp trực tiếp lên các vết thương trên mô hình động vật. So sánh với các nhóm đối chứng không được điều trị, các vết thương được xử lý bằng polyme này biệu thị hoạt động nguyên bào sợi cao hơn gấp ba lần trong khoảng thời gian 96 giờ, dẫn đến hơn 80% vết thương se khít lại.

Hiện nay người ta hy vọng rằng pTHFuA có thể được áp dụng để băng vết thương tiêu chuẩn dành cho bệnh nhân tiểu đường như một lớp phủ trị liệu.

Ghaemmaghami cho biết: “Nghiên cứu này là một bước quan trọng hướng tới khả năng tạo ra một phương pháp điều trị mới, hiệu quả, chi phí thấp cho các vết thương của bệnh tiểu đường”.

Những phát hiện của nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí Advanced Materials gần đây.