Măng tây (Asparagus officinalis L.) thuộc họ Asparagaceae là một loại rau cao cấp với phần chồi non ăn được gọi là măng (Bornet và cộng sự, 2002; Wang và cộng sự, 2003, Chin và Garrison, 2008; Kim và cộng sự, 2009). Trong rau măng tây xanh có hàm lượng dinh dưỡng khá cao gồm 93 g nước, 26 calo năng lượng, 2,2 g protein, 21 mg canxi, 700 I.U Vitamin A, 30 mg axit ascorbic, 0,20 mg thiamine, 0,16 mg riboflavin và 1,0 mg niacin tính trên 100 g phần ăn được (Mac Gillivray, 1961). Vì những lợi ích đó mà măng tây được giới ẩm thực gọi là “rau vua”.
Ngoài các giá trị về dinh dưỡng, măng tây còn là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, trung bình trên 1 ha trồng măng tây mỗi ngày nông dân có thể thu hoạch từ 70 - 150 kg măng (bình quân 100 kg/ngày/ha). Giá tăng tây tươi hiện nay là 70.000 - 90.000 đồng/kg (loại 1) và 40.000 - 50.000 đồng/kg (loại 2). Như vậy, sau khi trừ mọi chi phí, người trồng măng tây xanh thực lãi từ 200 đến 250 triệu/ha/năm.
Hiện nay, cây măng tây đang được trồng phổ biến ở nhiều địa phương trên khắp cả nước và tập trung diện tích lớn ở các tỉnh Nam Trung bộ. Trong đó, Ninh Thuận là tỉnh có diện tích trồng Măng tây lớn nhất, tính đến cuối năm 2020 diện tích trồng Măng tây của tỉnh Ninh Thuận đạt khoảng 250 ha (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận, 2020). Ngoài ra, một số tỉnh khác của khu vực Nam Trung bộ như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà và Bình Thuận đang có xu hướng mở rộng diện tích trồng cây Măng tây vì đây là đối tượng cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu của khu vực này. Mặc dù là khu vực có diện tích trồng măng tây lớn; tuy nhiên, trong sản xuất măng tây tại Nam Trung bộ còn một số hạn chế như các giống măng tây hiện đang trồng được người dân mua từ các doanh nghiệp và đại lý kinh doanh giống, chưa có đánh giá, tuyển chọn giống tốt nên sau khi trồng một thời gian chất lượng măng tây bị suy giảm và không đồng đều. Quy trình sản xuất cây giống và việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng măng tây của người dân chưa đồng bộ, đặc biệt là ứng dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh cây măng tây công nghệ cao còn hạn chế, nên năng suất và chất lượng măng tây của khu vực Nam Trung bộ chưa ổn định, hiệu quả kinh tế trồng cây măng chưa đạt được như tiềm năng vốn có của nó. Để phát triển cây măng tây tại khu vực Nam Trung bộ bền vững và có hiệu quả cao, ThS. Nguyễn Văn Sơn và nhóm nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã thực hiện dự án “Sản xuất thử nghiệm rau măng tây xanh ứng dụng công nghệ cao phục vụ nội tiêu và xuất khẩu tại khu vực Nam Trung bộ” với mục tiêu hoàn thiện được quy trình công nghệ nhân giống, quy trình kỹ thuật canh tác ứng dụng công nghệ cao để phát triển măng tây xanh phục vụ nội tiêu và xuất khẩu tại khu vực Nam Trung bộ.
Trên cơ sở tiêu chuẩn cây giống măng tây giai đoạn xuất vườn phải đạt các chỉ tiêu như chiều cao cây trên 25 cm, có 1 - 2 nhánh khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, bộ rễ có ít nhất từ 9 cọng rễ cấp 1 trở lên, đề tài đã tiến hành theo dõi và xác định được thời điểm xuất vườn và tỷ lệ xuất vườn của cây giống măng tây trên các công thức nghiên cứu.
Kết quả cho thấy, gieo hạt măng tây vào bầu ni lông kích thước 12 x 7 cm có chứa đất sạch, phân chuồng hoai mục, xơ dừa đã xử lý (theo tỷ lệ 40:30:30) và áp dụng các biện pháp chăm sóc như: tưới phun sương (5 giờ/ngày với liều lượng nước là 80 m3 /ha) trong điều kiện nhà lưới có thời gian xuất vườn sớm nhất (9 tuần sau ngâm hạt), với các chỉ tiêu về chiều cao cây, số rễ chính trên cây, số nhánh trên cây đạt được tại thời điểm xuất vườn tương ứng là 39,9 cm, 9,3 rễ , 4,3 nhánh trên giống Atlas, còn đối với giống Bejo 3025 các chỉ tiêu đạt được tương ứng là 41,0 cm, 9,5 rễ, 4,2 nhánh. Kế đến là các công thức áp dụng các biện pháp chăm sóc như: tưới phun sương (5 giờ/ngày với liều lượng nước là 80 m3 /ha) trong điều kiện nhà lưới và gieo hạt măng tây vào bầu ni lông kích thước 12 x 7 cm có chứa đất sạch, phân chuồng hoai mục, tro bếp (theo tỷ lệ 40:30:30) (Atlas và Bejo 3025), gieo lên luống rộng 1 m và cao 20 cm có chứa đất sạch, phân chuồng hoai mục, tro bếp (theo tỷ lệ 40:30:30) và gieo lên luống rộng 1 m và cao 20 cm có chứa đất sạch, phân chuồng hoai mục, xơ dừa đã xử lý (theo tỷ lệ 40:30:30) (Bejo 3025) có thời gian xuất vườn là 10 tuần sau ngâm hạt. Công thức gieo hạt măng tây vào bầu ni lông kích thước 12 x 7 cm có chứa đất sạch, phân hữu cơ, tro bếp (theo tỷ lệ 90:8:2) và chăm sóc theo quy trình hiện hành có thời gian xuất vườn muộn nhất (14 tuần sau ngâm hạt).
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Đã hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống măng tây xanh có tỷ lệ cây xuất vườn cao từ 97 - 98%, rút ngắn thời gian trong vườn ươm xuống còn 60 ngày, từ đó giúp giảm giá thành cây giống ≥ 50%, cây giống đảm bảo tiêu chuẩn xuất vườn. Quy trình được công nhận TBKT với các chỉ tiêu kỹ thuật gồm:
Sử bầu ni lông kích thước 12 x 7 cm có chứa đất sạch, phân chuồng hoai mục, xơ dừa đã xử lý (theo tỷ lệ 40:30:30) và áp dụng các biện pháp chăm sóc như: tưới phun sương kết hợp tưới phân tự động và ươm trong điều kiện nhà lưới.
- Đã hoàn thiện quy trình công nghệ canh tác, thu hái và bảo quản măng tây xanh ứng dụng công nghệ cao, năng suất giai đoạn kinh doanh đạt ≥ 28 tấn/ha, thời gian bảo quản rau măng tây ≥ 20 ngày. Quy trình được công nhận TBKT với các chỉ tiêu kỹ thuật gồm:
+ Xác định được 02 giống măng tây xanh Atlas và Atticus cho năng suất cao và chất lượng tốt.
+ Sử dụng phân bón hữu cơ Trùn quế Vạn Long với liều lượng 10 tấn/ha/năm giúp tăng hiệu quả kinh tế khi trồng măng tây xanh
+ Bón đạm với liều lượng 200 kg N/ha/năm trên ruộng trồng mới và ruộng kinh doanh cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao
+ Cắt ngọn ở độ cao 1,2 m và giữ lại 4 - 5 cây mẹ làm tăng năng suất và chất lượng măng tây thương phẩm khi thu hoạch. + Thu hoạch măng khi chiều dài đạt 25 - 28 cm giúp tăng sản lượng măng thu hoạch và phần ăn được của sản phẩm măng thương phẩm.
+ Sử dụng túi biến đổi khí quyển (MAP) bọc sản phẩm măng thương phẩm và bảo quản ở nhiệt độ 20 C giúp kéo dài thời gian bảo quản măng tây thương phẩm trên 20 ngày
- Đã sản xuất được 332.770 cây giống măng tây xanh giảm giá thành ≥ 50%, cây giống đảm bảo tiêu chuẩn xuất vườn.
- Đã xây dựng được 6,5 ha mô hình sản xuất măng tây xanh ứng dụng công nghệ cao tại Nam Trung bộ; trong đó, 4,5 ha mô hình giai đoạn trồng mới với năng suất măng tây xanh thương phẩm đạt 24,55 tấn/ha/năm và 2,0 ha mô hình giai đoạn kinh doanh với năng suất măng tây thương phẩm đạt 30,0 tấn/ha/năm, sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đã đào tạo 320 lượt người nắm vững quy trình công nghệ nhân giống và sản xuất măng tây xanh ứng dụng công nghệ cao, ATTP. Hình thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm măng tây xanh ứng dụng công nghệ cao ATTP tại Ninh Thuận và Khánh Hoà.
Nguồn :từ trang web:vista.gov.vn.của cục thông tin kH&CN quốc gia