Lông gà giống như tóc và móng tay của con người, được cấu tạo chủ yếu từ một loại protein cứng gọi là keratin. Trong suốt vòng đời, gà thải loại rất nhiều lông. Nhìn chung, đây không phải là vấn đề lớn nhưng lại là vấn đề khác đặt ra đối với ngành thực phẩm. Mỗi năm, khoảng 40 triệu tấn lông gà bị đốt trong quá trình chăn nuôi gia cầm, sinh ra khói độc hại như cacbon và sunfua dioxit.
Việc tìm ra hướng mới sử dụng toàn bộ số lông gà thải loại đó, có thể giảm đáng kể chất thải thực phẩm và ô nhiễm. Giờ đây, các nhà khoa học Thụy Sỹ và Singapo đã hợp tác tìm ra cách biến lông gà thành một thành phần quan trọng của pin nhiên liệu hydro xanh.
Cụ thế, các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sỹ (ETH Zurich) và Đại học Công nghệ Nanyang Singapore (NTU) đã đưa ra phương pháp chiết xuất keratin từ lông gà và kéo thành các sợi mỏng được gọi là sợi amyloid. Các sợi nhỏ này có thể được ghép thành màng bán thấm quan trọng của pin nhiên liệu hydro. Màng cũ của pin chứa các “hóa chất vĩnh viễn” cực độc, nhưng màng mới cho phép các proton đi qua trong khi loại bỏ các electron. Các electron bị chặn lại sau đó buộc phải di chuyển qua một mạch điện bên ngoài từ cực dương âm sang cực âm dương, từ đó sản sinh điện.
Raffaele Mezzenga, giáo sư về thực phẩm và vật liệu mềm tại ETH Zurich, cho biết: “Sự phát triển mới nhất của chúng tôi đã khép lại chu trình: lấy một chất giải phóng CO2 và khí độc khi đốt và sử dụng nó trong một môi trường khác. Công nghệ mới không chỉ thay thế các chất độc hại mà còn ngăn chặn giải phóng CO2, làm giảm chu trình phát thải cacbon tổng thể”.
Theo các nhà nghiên cứu, màng có nguồn gốc từ keratin được tạo ra trong phòng thí nghiệm có giá thành rẻ hơn màng pin nhiên liệu hydro tổng hợp hiện có và hy vọng chi phí sản xuất rẻ vẫn sẽ được duy trì khi chuyển sang sản xuất hàng loạt. Nhóm nghiên cứu đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho công nghệ mới và hiện đang tìm kiếm đối tác và nhà đầu tư để cung cấp sản phẩm.
Nguồn :Từ trang web:vista.gov.vn.của cục thong tin KH&CN quốc gia