Trên thực tế, các thiết bị công nghệ thường tận dụng một số nguồn năng lượng bền vững. Mới đây, các nhà khoa học tại trường Đại học Công nghệ Queensland (QUT) đã chuyển hướng sang nghiên một nguồn năng lượng khác, đó là tóc người - một loại vật liệu phế thải nhưng theo nhóm nhóm nghiên cứu là rất hữu ích. Theo đó, nghiên cứu đã chỉ ra rằng có thể tận dụng tóc người đã cắt bỏ từ các cửa hàng cắt tóc để chế tạo màn hình Điốt phát quang hữu cơ (OLED).

Phần lớn lượng tóc thừa sau khi cắt sẽ bị đem vứt bỏ. Vì vậy, các nhà nghiên cứu của QUT đã quyết định thu gom loại vật liệu phế thải này từ một cửa hàng cắt tóc địa phương và kết hợp nó vào các thiết bị điện tử.

Tóc là một nguồn các-bon và nitơ tự nhiên phong phú và rất hữu ích trong chế tạo các hạt nano phát quang. Trong thử nghiệm, các nhà khoa học tiến hành xử lý và sau đó, đốt cháy những sợi tóc ở nhiệt độ 240 độ C để tạo ra các nanodot có chứa cácbon và nitơ trong cấu trúc phân tử. Tiếp đến, nhóm nghiên cứu biến vật liệu này thành các ống nano các-bon có kích thước đường kính dưới 10 nanomet.

Các nanodots sau đó được phân tán đồng đều trên vật liệu polymer, ở đó, chúng kết lại thành một khối, gọi là “đảo nano”. Các đảo nano có thể được sử dụng làm lớp chất động (active layer) trong thiết bị OLED.

Prashant Sonar, tác giả của nghiên cứu cho biết: “Khi tiếp xúc với nguồn điện áp nhỏ, các nanodots này có khả năng phát ra ánh sáng màu xanh tuy không đủ sáng để sử dụng cho màn hình TV nhưng vật liệu vẫn hữu ích đối với các thiết bị được thiết kế với màn hình OLED nhỏ như các thiết bị đeo điện tử”.

Bên cạnh đó, với ưu điểm không độc hại, các thiết bị dùng điốt phát quang hữu cơ có thể được áp dụng trong một số ứng dụng như bao bì thông minh hay trong các thiết bị cần nguồn sáng yếu như vòng đeo tay thông minh (smart bands), biển báo giao thông, các thiết bị y tế...

Các nhà nghiên cứu cho biết trong tương lai, khả năng sản xuất màn hình OLED bằng cách sử dụng lông động vật từ các tiệm chăm sóc thú cưng hoặc thậm chí là những sợi lông cừu là rất khả thi.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Advanced Materials.

Nguồn: P.K.L (NASATI), theo https://newatlas.com/electronics/human-hair-carbon-dot-oled/, 5/6/2020