Đại dịch COVID-19 đã gây ra những căng thẳng chưa từng có đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe của Hoa Kỳ và dẫn đến việc giảm khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, cũng như ít theo dõi những biến chứng tiềm ẩn liên quan đến thai kỳ. COVID-19 ảnh hưởng đến kết quả mang thai như thế nào; đặc biệt là ở những người có thu nhập thấp và những người thuộc các nhóm chủng tộc và dân tộc thiểu số, vẫn chưa được biết rõ, rất ít nghiên cứu thực nghiệm kiểm tra tác động của đại dịch COVID-19 đối với kết quả sản khoa ở cấp quốc gia.
Theo bài báo được xuất bản trên tạp chí JAMA Network Open, nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Harvard đã đánh giá các biến chứng liên quan đến thai nghén và kết quả sản khoa đã thay đổi như thế nào trước và sau đại dịch. Nhìn vào những thay đổi tương đối trong phương thức sinh, tỷ lệ sinh non và kết quả tử vong trước đó so với thời kỳ đại dịch, họ nhận thấy tỷ lệ tử vong của các bà mẹ khi nhập viện; rối loạn tim mạch; xuất huyết sản khoa trong đại dịch tăng lên.
Tác giả nghiên cứu, bác sĩ Rose L. Molina, cho biết: Nghiên cứu này chứng minh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của những người mang thai. Chúng tôi đã phân tích dữ liệu từ hơn 1,6 triệu bệnh nhân mang thai đã sinh con tại 463 bệnh viện Hoa Kỳ trong 14 tháng trước khi COVID-19 và trong 14 tháng đầu tiên của đại dịch. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về đặc điểm nhân khẩu học của hai nhóm, bao gồm tuổi tác, chủng tộc và dân tộc, các loại hình bảo hiểm và bệnh đồng mắc.
Phù hợp với các báo cáo từ Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ, nhóm nghiên cứu cho thấy mẹ tử vong khi nhập viện sinh tăng từ 5,17 ca tử vong trên 100.000 bệnh nhân mang thai trước đại dịch lên 8,69 ca tử vong trên 100.000 bệnh nhân mang thai trong đại dịch, một sự gia tăng nhỏ nhưng có ý nghĩa thống kê. Và tăng tỷ lệ mắc chứng rối loạn tăng huyết áp và xuất huyết. Họ cho rằng sự gia tăng liên quan đến các kết quả kém chứng tỏ rằng đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc chăm sóc sản khoa và kết quả liên quan đến thai nghén.
Bác sĩ Rose L. Molina giải thích: “Trong khi chăm sóc sản khoa tại bệnh viện vẫn là một dịch vụ thiết yếu trong đại dịch COVID-19, chăm sóc trước khi sinh cho bệnh nhân ngoại trú đã trải qua những gián đoạn đáng kể và hầu như không có nhiều dịch vụ chăm sóc tiền sản định kỳ được thực hiện. Có thể những gián đoạn và hạn chế này trong việc theo dõi qua telehealth có thể đã góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng tăng huyết áp liên quan đến thai kỳ. Ngoài ra, tỷ lệ rối loạn tăng huyết áp gia tăng có thể do căng thẳng gia tăng do đại dịch gây ra”.
Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy thời gian lưu lại bệnh viện được rút ngắn, đặc biệt là sau khi sinh mổ trong đợt đại dịch do bác sĩ sản khoa và bệnh nhân đã cố gắng giảm thiểu sự lây lan. Và tỷ lệ nhiễm trùng huyết giảm trong đại dịch, có thể là kết quả của việc tăng cường sát khuẩn tay và đeo khẩu trang do COVID-19. Các nhà khoa học quan sát thêm rằng tỷ lệ sinh non và phương thức sinh (âm đạo, mổ lấy thai hoặc kẹp/hút chân không) vẫn ổn định. Sự chênh lệch về chủng tộc và dân tộc được ghi nhận đầy đủ trong các kết quả sản khoa vẫn tồn tại nhưng không trở nên tồi tệ hơn trong đại dịch trong tập dữ liệu này.